Tái canh cà phê – Những vấn đề đặt ra
Chương trình tái canh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành liên quan và địa phương.
Đến nay toàn vùng đã thực hiện khoảng 80.000 ha. Riêng đối với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, kế hoạch tái canh là 11.000 ha, đến nay đã thực hiện gần 7.000 ha. Theo đó, dư nợ cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh trọng điểm như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông đạt hơn 800 tỷ đồng, với gần 10.000 khách hàng được vay vốn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân thực hiện tái canh cà phê (trồng mới cũng như lai ghép) được các đơn vị tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên cho vay cao nhất đến 150 triệu đồng/ha với thời hạn vay 8 năm (4 năm đầu được ân hạn trả nợ gốc và lãi). Lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn là 6,5-7%/năm, thấp hơn 2,5% so với lãi suất cho vay các khoản vay trung, dài hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Vườn cà phê tái canh mới cho thu hoạch tại xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc. Ảnh: M.Thông |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thì việc tái canh cà phê trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ. Trước hết là chương trình cho vay tín dụng chưa thực sự hấp dẫn người nông dân, do hạn mức cho vay còn thấp (tối đa 150 triệu đồng/ha) và tiến độ giải ngân còn rườm rà (2 – 3 lần/khách hàng vay). Thứ đến là quy trình về tái canh chưa sát với thực tế, vẫn còn một số điểm bất cập như việc xác định diện tích tái canh, diện tích ghép lai tạo cần phải được tính toán trên các mức độ luân canh khác nhau, chứ không phải đồng nhất như hiện nay, để từ đó lập cơ sở dữ liệu (kỹ thuật, chính sách tín dụng, ưu đãi) một cách chính xác và khoa học khi thực hiện, tránh rơi vào tình trạng lúng túng, bị động đã xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua. Vấn đề cuối cùng và hết sức quan trọng là người sản xuất ở nhiều nơi còn rất hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái canh cà phê do đất và tài sản trên đất của họ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản nhằm bảo đảm hợp đồng thế chấp gặp rất nhiều khó khăn. Ví như giá chuyển nhượng vườn cà phê trên thực tế rất cao, nhưng khi xác định giá để thế chấp thì được tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hàng năm khiến không ít nông hộ ngậm ngùi, quay lưng. Thực tế này dẫn đến tình cảnh nhiều hộ sản xuất cà phê, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng tài chính, hoặc tài sản không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn, nên khó triển khai thực hiện chủ trương tái canh cà phê theo yêu cầu của Chính phủ đề ra.
Người trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên mong rằng những bất cập trên cần sớm được giải quyết để giúp hàng nghìn nông hộ ở đây tiếp tục tái canh vườn cà phê của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu tái canh 150.000 ha cà phê trên địa bàn trong những năm tiếp theo.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc