Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012: Phát huy vai trò người đứng đầu

15:35, 19/07/2017

Hợp tác xã (HTX) theo mô hình kiểu mới hoạt động như một doanh nghiệp, do đó, việc sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hay không, phần lớn do khả năng quản lý, điều hành của người đứng đầu.

Khi ông chủ dám “đứng mũi chịu sào”

HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận Phát (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) thành lập tháng 5-2014, ban đầu chỉ có 7 thành viên, hiện đã phát triển lên 45 thành viên, sản xuất 105 ha cà phê, sản lượng hằng năm hơn 400 tấn. Cuối năm 2016, HTX tiến hành bầu lại Ban quản trị để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do mới đại hội, hoạt động chưa ổn định, nên việc thu mua cà phê rất khó khăn, người dân và các thành viên yêu cầu phải trả tiền trực tiếp (thông thường, HTX trả tiền cho dân sau khi xuất được hàng). Trong khi đó, thời điểm này, HTX có 5 hợp đồng ký trước đó với Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam đã đến kỳ hạn xuất hàng, với khối lượng 100 tấn, trong đó, 40 tấn giao trực tiếp, còn lại gửi kho. Trước tình thế đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Xuân Tứ đã họp Ban quản trị HTX và quyết định vay nóng gần 5 tỷ đồng để gom cà phê. Với sự quyết đoán của Chủ tịch và Ban Quản trị, HTX đã giải quyết được hợp đồng với đối tác đúng thời hạn. 

Vườn chanh dây của một HTX trên địa bàn huyện Ea Kar.
Vườn chanh dây của một HTX trên địa bàn huyện Ea Kar.

HTX Nông nghiệp Công Bằng Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) hiện có 117 thành viên, sản xuất gần 234 ha cà phê theo chứng nhận FLO, 4C, RFA. Hằng năm, đơn vị xuất ra thị trường khoảng 500 tấn cà phê theo kênh thương mại Công Bằng với giá cao hơn thị trường 3.000 đồng/kg, thu nhập bình quân tính theo đầu người của thành viên đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Thành công này trước hết phải kể đến vai trò của Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nguyễn Đình Hào. Ông chia sẻ, người đứng đầu HTX phải có tâm huyết, nhiệt tình với công việc, dám đứng mũi, chịu sào. Bên cạnh đó, công tác điều hành, tổ chức sản xuất phải minh bạch, quyết đoán và vì lợi ích của các thành viên. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cách làm của HTX là phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban quản trị và kiểm soát theo công việc được giao. Về nhân lực, HTX ưu tiên con em các thành viên có trình độ năng lực vào làm việc phù hợp với tiêu chí thương mại Công Bằng, trong đó, ưu tiên phụ nữ và người dân tộc thiểu số.

Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, Đắk Lắk hiện có khoảng 5.000 Tổ hợp tác, 3 Liên hiệp HTX, 379 HTX, trong đó, 187 HTX nông nghiệp, 58 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 38 HTX vận tải, 47 HTX thương mại, 37 HTX xây dựng và 12 Quỹ tín dụng nhân dân. Toàn tỉnh có khoảng 1.800 cán bộ quản lý, kế toán, nghiệp vụ làm việc tại các HTX. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ có tài, tâm để quản lý, điều hành HTX làm ăn hiệu quả như hai trường hợp nói trên là không nhiều. Để nâng cao năng lực cho các HTX, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã chú trọng đào tạo cho các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, kế toán và kiểm soát viên và tập huấn cho các thành viên, trong đó, đặc biệt tập trung vào công tác quản trị, điều hành HTX, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kỹ năng Maketing, bán hàng…

Cán bộ Liên minh HTX tỉnh thăm HTX Nông nghiệp Thăng Bình, huyện Krông Bông.
Cán bộ Liên minh HTX tỉnh thăm HTX Nông nghiệp Thăng Bình, huyện Krông Bông.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, phần lớn HTX đang thiếu cán bộ có năng lực quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, trong đó, cán bộ trình độ đại học, cao đẳng khoảng 55%, trung, sơ cấp 25%, còn lại chưa được đào tạo. Do đó, không ít HTX hoạt động còn lúng túng, kế hoạch sản xuất kinh doanh không phù hợp và chưa xây dựng được chiến lược mang tính lâu dài. Bên cạnh đó, đa số cán bộ HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ chưa được đào tạo, nhất là trình độ quản lý và kiến thức chuyên ngành. Chưa kể, đội ngũ cán bộ HTX trong lĩnh vực này thường xuyên thay đổi, nên việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về quản lý, điều hành gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực quản lý HTX, thời gian tới sẽ tăng số lượng các lớp đào tạo, tập huấn với nội dung phù hợp với nhu cầu thực tế của các HTX, đặc biệt là các cán bộ quản lý; xây dựng các HTX điển hình có quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về làm việc cho HTX, trong đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trả lương 2 – 3 năm đầu; đồng thời, động viên các HTX ưu tiên nguồn nhân lực trẻ tham gia quản lý, điều hành nhằm tạo làn gió mới cho hoạt động kinh tế HTX. 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.