Tín dụng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao: Ưu đãi lớn, nhưng không dễ vay!
Sau khi Nghị quyết 30/NQ-CP, ngày 7-3-2017 của Chính phủ về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Nghị quyết 30) có hiệu lực, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt khởi động chương trình cho vay, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, lượng khách hàng cũng như nguồn vốn giải ngân lại đang rất khiêm tốn.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều gói tín dụng rất ưu đãi. Trong đó, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) có gói tín dụng nông nghiệp sạch, với quy mô hơn 50 nghìn tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành 10 nghìn tỷ đồng cho vay NNCNC. Cùng với số vốn đăng ký lớn, mức lãi suất cũng được các đơn vị cam kết ưu đãi hơn so với các lĩnh vực khác (thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại). Ngoài ra, các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có gói 10 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển cây mắc ca; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) dành 400 tỷ đồng cho vay NNCNC với mức lãi suất ưu đãi giảm tối đa 1%/năm so với cho vay thông thường... Theo các ngân hàng, việc Chính phủ triển khai gói tín dụng cho vay NNCNC sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng phạm vi đối tượng, nhằm góp phần tăng trưởng tín dụng.
Nhiều hộ nông dân đã thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch. (Trong ảnh: Sản xuất rau tại TP. Buôn Ma Thuột). |
Vốn đã có, lãi suất lại ưu đãi, nhưng sau gần 5 tháng triển khai, lượng khách hàng tiếp cận nguồn tín dụng này lại rất hạn chế. Theo đại diện Agribank Đắk Lắk, đến nay đơn vị vẫn chưa thể giải ngân được cho khách hàng nào thuộc đối tượng cho vay gói tín dụng nông nghiệp sạch. Nguyên nhân đưa ra là do đối tượng khách hàng đáp ứng được tiêu chí cho gói tín dụng này gần như không có.
Theo quy định, Ngân hàng thương mại và khách hàng được phép thỏa thuận việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không, nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật. Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên các dự án, phương án sản xuất – kinh doanh phải đáp ứng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ NN-PTNT. Theo đó, các dự án phải thực hiện trong khu, vùng NNCNC đã được cấp thẩm quyền quyết định thành lập; các dự án của doanh nghiệp thì phải được Bộ NNPTNT cấp chứng nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với dự án nông nghiệp sạch, ngoài các dự án bảo đảm các tiêu chí, điều kiện về an toàn thực phẩm, dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch phải áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương như VietGAP, GlobalGAP, ASC, IMC…
Trong khi đó, đại diện BIDV Bắc Đắk Lắk cho rằng, đây là những quy định rất khó cho khách hàng muốn tiếp cận gói tín dụng NNCNC. Trên địa bàn tỉnh hiện gần như không có doanh nghiệp nào đáp ứng được điều kiện vay vốn. Còn đối với khách hàng cá nhân hoặc hợp tác xã lại càng khó tiếp cận khi họ không thể xây dựng dự án khả thi, mang tính pháp lý để ngân hàng cho vay. Thực tế là trong một số trường hợp, mặc dù người dân đang sản xuất theo hướng NNCNC, nhưng lại chưa lập dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… như quy định của Bộ NN-PTNT. Vì vậy, nếu có nhu cầu vay thì những trường hợp này cũng không đủ điều kiện để tiếp cận. Bởi thực chất đây là gói cho vay thương mại, nên các ngân hàng đương nhiên sẽ thẩm định kỹ, phù hợp với đánh giá về mức độ hiệu quả dự án để quyết định cho vay.
Khi gói tín dụng NNCNC ra đời đã mang đến những hy vọng mới cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng những quy định ngặt nghèo trên đây đã khiến gói tín dụng này rất khó phát huy tác dụng. Do đó, để “khơi thông” nguồn vốn này, cùng với việc doanh nghiệp, người dân cần quan tâm hơn đến khâu lập dự án, đề án sản xuất, kinh doanh theo quy định, bản thân các ngân hàng cũng phải linh hoạt trong cách thức, hình thức triển khai.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc