Triển vọng của mô hình trồng nấm linh chi đỏ
Thời gian gần đây, mô hình trồng nấm linh chi đỏ Nhật Bản của gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) được nhiều người đến tham quan, học hỏi.
Đây là mô hình trồng nấm linh chi đầu tiên của huyện bước đầu đã cho những kết quả khả quan.
Đầu năm 2017, chị Tâm được tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm linh chi đỏ của Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar. Từ đó, chị bắt đầu say mê những tai nấm màu đỏ, sau khi tìm hiểu về thị trường, nhận thấy đây là cây trồng được khách hàng ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, chị đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua các thiết bị như nồi áp suất, hệ thống phun sương, giống và các phụ phẩm để trồng nấm. Được biết, những ngày đầu mới bắt tay vào trồng, chị Tâm đã gặp không ít khó khăn, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều phôi nấm đã bị bệnh mốc vàng, mốc xanh, nấm dại phát triển… khiến chị chán nản và định từ bỏ công việc này. Tuy nhiên, nhờ được hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Trung tâm và chịu khó tìm hiểu, đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng nấm linh chi đỏ ở Đà Lạt nên những trở ngại ban đầu dần được tháo gỡ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm đang phơi nấm. |
Theo chị Tâm, nấm linh chi tương đối dễ trồng, không tốn nhiều diện tích, có thể tận dụng được không gian trong nhà. Để nấm phát triển đều, to và không nhiễm bệnh thì phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình mà cán bộ kỹ thuật hướng dẫn như: khu trồng phải tuyệt đối sạch sẽ, thông thoáng, một ngày tưới từ 1-3 lần, nhiệt độ từ 28–31oC, nền nhà phải phủ một lớp cát mỏng khoảng 1 cm để duy trì độ ẩm cho cây nấm phát triển tốt. Ngoài ra, xung quanh nhà xưởng cần dùng lưới che chắn để ngăn chặn các côn trùng xâm nhập, gây hại cho nấm. Nguyên liệu chính dùng để trồng nấm là mùn cưa được ủ với nước vôi, sau 15 ngày thì lấy ra hấp tiệt trùng bằng lò áp suất. Từ thời điểm cấy phôi nấm, sau 4 tháng là có thể thu hoạch, sau khi thu hoạch lần 1 những nguyên liệu này lại được hấp tiệt trùng và tiếp tục chăm sóc để thu hoạch đợt nấm thứ 2, nấm sau khi thu hoạch phải được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40-45oC.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, trong đợt thu hoạch đầu tiên, với diện tích 100 m2, quy mô 18.000 bịch phôi, gia đình chi Tâm đã thu gần 300 kg nấm tươi, tương đương với trên 180 kg nấm khô. Với giá bán ngoài thị trường khoảng 600 ngàn đồng/kg nấm khô, sau khi trừ hết chi phí, gia đình chị đã lãi trên 100 triệu đồng, so với các loại nấm khác như nấm bào ngư, nấm sò, nấm mèo thì lợi nhuận của nấm linh chi đỏ cao gấp 5-6 lần. Hiện tại, chị Tâm đang tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 10.000 bịch phôi, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình.
Ông Trương Bảy, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết, nấm linh chi đỏ là một loại thảo dược quý, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp, suy nhược thần kinh, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể nên còn được sử dụng để ngăn ngừa ung thư và hỗ trợ điều trị sau khi hóa trị, xạ trị… Hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ mới có 6-7 hộ trồng mô hình này, trong thời gian tới huyện sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn, để nông dân tiếp cận với kỹ thuật trồng nấm linh chi đỏ. Đồng thời tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm để mô hình phát triển bền vững.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc