Xã Ea Phê (huyện Krông Pắc): Nhiều cách làm hay trong hỗ trợ tìm việc làm cho thanh niên
Tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề, tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho thanh niên chưa qua đào tạo nghề là những cách làm hay của Đoàn xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tìm được việc làm ổn định.
Anh Lưu Văn Hòa, Bí thư Đoàn xã Ea Phê cho biết, xã Ea Phê có hơn 8.000 thanh niên, chiếm 1/3 dân số; trong đó, phần lớn là lao động nông thôn chưa được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về nghề nghiệp. Mức sống thấp, thiếu việc làm chính là lý do những năm gần đây tại địa bàn xã Ea Phê có sự di cư mạnh mẽ lao động từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm việc làm. Xuất phát từ thực trạng trên, Đoàn xã đã đẩy mạnh công tác phối hợp hỗ trợ định hướng nghề, dạy nghề cho ĐVTN nông thôn tại địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực.
Đoàn xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của ĐVTN. |
Hằng năm, Đoàn xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp đào tạo sơ cấp nghề chăn nuôi thú y, trồng và khai thác nấm, tin học văn phòng cho ĐVTN. Đoàn xã cũng chú trọng phối hợp với các công ty trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp, việc làm, vay vốn thanh niên; vận động ĐVTN tham gia tìm kiếm ngành nghề, đào tạo nghề qua sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. Đoàn xã chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk (nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk) tổ chức 4 lớp sơ cấp nghề chăn nuôi thú y và sửa chữa nông cơ cho 120 đoàn viên thanh niên tham gia. Sau lớp sơ cấp nghề này phần lớn ĐVTN đã áp dụng kiến thức học được vào trong sản xuất chăn nuôi và trồng trọt để tăng nguồn thu nhập. Đoàn xã còn phối hợp với Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Tây Nguyên tổ chức 4 lớp sơ cấp may dân dụng cho 127 ĐVTN tham gia. Sau khóa học, đã giới thiệu gần 100 thanh niên làm việc tại các công ty may tại Sài Gòn, Nha Trang.
Để công tác dạy nghề phù hợp với nguyện vọng của ĐVTN, Đoàn xã đã triển khai cho các chi đoàn, chi hội tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của ĐVTN trên địa bàn. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hầu hết đều được tổ chức dạy nghề lưu động tại các thôn để tiết kiệm kinh phí đi lại, bảo đảm thời gian học. Qua đó, tỷ lệ lao động tham gia học nghề và có việc làm mới ngày càng tăng, lao động nông thôn đã tận dụng được thời gian nông nhàn để lao động sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, trong thời gian qua đã có 1.100 lượt ĐVTN được tư vấn nghề nghiệp, 650 lượt ĐTVN được giới thiệu việc làm và 100 lao động trẻ tìm việc làm phù hợp với trình độ, năng lực và sở trường.
Chị H’Hà Êban (SN 1985) ở buôn Ea Su cho biết, được sự tư vấn của đoàn xã Ea Phê, chị đã đăng ký học khóa may dân dụng do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức. Sau 3 tháng học tập, chị đã nắm bắt được thành thạo kỹ thuật may và mở được một tiệm may nhỏ. Hay như chị H’Lép Ayun, phải nghỉ học từ sớm lại không có việc làm ổn định nên chị H’Lép đã được Đoàn xã tư vấn đăng ký học nghề trồng nấm để có thêm thu nhập. Sau khóa học, chị đã được tham quan các mô hình trồng nấm mang hiệu quả kinh tế cao và được cán bộ đoàn thanh niên, Hội Nông dân xã giúp đỡ xây dựng khu nuôi trồng nấm bảo đảm kỹ thuật. Đang ở thời điểm chờ thu hoạch nấm đợt đầu tiên, nhưng ước mơ cải thiện cuộc sống trên chính mảnh đất khô cằn trước đây gia đình bỏ hoang của chị H’Lép chắc chắn sẽ thành hiện thực với sự siêng năng, chịu khó của bản thân và sự trợ sức đầy ý nghĩa của Đoàn thanh niên xã.
Theo Anh Lưu Văn Hòa, hiện nay tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề tại địa bàn còn khá cao. Giải pháp được cho là hợp lý hơn cả đối với khu vực nông thôn là dạy nghề tại chỗ, một mặt giảm chi phí cho đối tượng muốn tham gia học nghề, mặt khác các cơ sở và các trường đào tạo cũng sẽ dễ dàng hơn khi vận động được nhiều người đến học. Chính vì vậy, thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục cung cấp thông tin thị trường lao động kịp thời, chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên gắn với nhu cầu thực tiễn.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc