Multimedia Đọc Báo in

Cần giải pháp gỡ khó cho tín dụng tái canh cà phê

09:48, 28/08/2017

Vừa qua, Ban quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh đã tổ chức đối thoại với đại diện các tổ chức nông dân và chi nhánh ngân hàng trên địa bàn về việc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 1.150 tỷ đồng thuộc Dự án.

Đa dạng hóa ngân hàng cung cấp tín dụng

Theo thỏa thuận giữa Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì Dự án sẽ cung cấp các khoản vay dài hạn (tối đa 9 năm) cho hộ nông dân tái canh cà phê thông qua các ngân hàng thương mại. Theo đó, các khoản vay sẽ được hỗ trợ một phần lãi suất trong thời gian đầu (tối đa 4 năm) - giai đoạn cây chưa có thu nhập. Tất cả nông dân có diện tích cà phê nằm trong Dự án sẽ được tiếp cận gói vay này với mức cho vay theo từng thời kỳ và từng diện tích, tối đa 270 triệu/ha hoặc 400 triệu/ha bao gồm hệ thống tưới tiết kiệm nước. Mức cho vay và thời hạn vay do các Ngân hàng bán lẻ quyết định trên cơ sở đáp ứng điều kiện chung của Dự án và các điều kiện khác của ngân hàng (nếu có) như tài sản đảm bảo, phương án trả nợ… Để thúc đẩy quá trình giải ngân gói tín dụng 1.150 tỷ đồng từ Dự án, mới đây BIDV cho phép 9 ngân hàng thương mại tham gia Dự án VnSAT gồm: Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), Hợp tác xã Việt Nam (Coopbank), TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Việt Nam Thịnh vượng  (VPbank), Phương Đông (OCB), An Bình (ABbank), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tiên Phong (Tienphongbank), Sài Gòn Hà Nội (SHB). Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Dự án tại Đắk Lắk cho biết, gói tín dụng trên là chung cho hai hợp phần: lúa gạo và cà phê nhưng không quy định định mức cho từng loại cây trồng và từng ngân hàng tham gia giải ngân gói vay, nhằm cùng lúc đa dạng hóa ngân hàng vay vốn, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng để người dân dễ dàng tiếp cận và lựa chọn gói vay phù hợp. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 địa phương tham gia Dự án gồm huyện Cư Kuin, Cư M’gar,  Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, Ea Kar, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ với tổng diện tích 42.500 ha.

Vườn cà phê phát triển theo hướng bền vững ở huyện Cư M’gar.
Vườn cà phê phát triển theo hướng bền vững ở huyện Cư M’gar.

Còn nhiều việc phải làm

Đắk Lắk hiện có khoảng 203.000 ha cà phê, trong đó, diện tích cà phê già cỗi (trên 20 năm tuổi, năng suất thấp) có nhu cầu tái canh ngày càng tăng. Đến năm 2020, Đắk Lắk cần tái canh hơn 27.000 ha, nhưng tiến độ rất chậm do người dân thiếu vốn, trong khi chi phí tái canh đòi hỏi vốn lớn. Được biết, gói tín dụng 1.150 tỷ đồng của Dự án VnSAT được triển khai trong giai đoạn 2015-2020, nhưng đến nay, khu vực Tây Nguyên mới giải ngân cho nông dân được hơn 159 tỷ đồng, trong đó, Gia Lai hơn 78 tỷ, Lâm Đồng gần 39 tỷ, Đắk Lắk 21,6 tỷ, Đắk Nông hơn 19 tỷ và Kon Tum 1,4 tỷ đồng, bằng 13,8% gói tín dụng. Như vậy, người dân và các ngân hàng chỉ còn gần 3 năm nữa để thực hiện giải ngân hết gói tín dụng. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện giải ngân gặp nhiều khó khăn do đa số người dân đã sử dụng sổ đỏ làm tài sản thế chấp vay vốn sản xuất từ trước. Đặc biệt, một số ngân hàng bắt đầu tham gia Dự án từ đầu tháng 8-2017 nên việc tiếp cận, thực hiện giải ngân gói vay gặp rất nhiều khó khăn. Một số ngân hàng đã liên hệ trực tiếp với các nông hộ để giới thiệu gói vay tái canh nhưng rất khó thực hiện do nhiều nông dân vẫn chưa biết đến Dự án VnSAT và gói tín dụng này.

Ông Lê Tấn Dũng, đại diện HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (Krông Pắc) cho hay, hiện nay đa số người dân đã sử dụng sổ đỏ làm tài sản thế chấp để vay vốn sản xuất nên mong muốn các ngân hàng tham gia Dự án xem xét lại hợp đồng, nếu tài sản thế chấp trị giá 600 triệu đồng và đã cho vay 200 triệu, còn 400 triệu đồng ngân hàng tiếp tục lập hồ sơ để người trồng cà phê được vay số tiền còn lại phục vụ nhu cầu tái canh.

Dự án VnSAT được triển khai với mục đích gia tăng lợi nhuận trên cùng diện tích là 15 triệu đồng/ha/năm cho 69.000 ha của 63.000 hộ khu vực Tây Nguyên và nguồn lợi nhuận này sẽ kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh của cây cà phê (20-25 năm). Tuy nhiên, hiện tại việc quy định lãi suất tín dụng tái canh cà phê lại do các ngân hàng bán lẻ quyết định, do đó người dân nên lựa chọn, tìm hiểu kỹ ngân hàng nào có lãi suất thấp, thủ tục phù hợp với mình thì mới lập hồ sơ xin vay.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.