Multimedia Đọc Báo in

Hướng đến vùng sản xuất cây ăn quả công nghệ cao

07:20, 29/08/2017

Nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện M’Đrắk đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất.

Nằm ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk, giao thông khá thuận lợi, những năm qua người dân trên địa bàn huyện đã biết tận dụng lợi thế về giao thông, thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa như chăn nuôi bò bán công nghiệp, phát triển kinh tế trang trại theo mô hình VAC, trồng rừng, cây ăn quả... Trong đó phải kể đến sự thành công của mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Phạm Đăng Tâm (thôn 10, xã Ea Pil) với hơn 20 ha giống nhãn lồng Hưng Yên và vải thiều Bắc Giang. Khó khăn ban đầu của gia đình là có 1,5 ha đất nhưng chỉ để trồng mía, đầu ra khá bấp bênh… Năm 2001, ông Tâm quyết định chuyển sang trồng nhãn, vải. Vườn nhãn được chăm sóc theo hướng CNC, cắt tỉa tán, cành từ những năm thu hoạch đầu tiên nên chiều cao cây trung bình chỉ 1,5-2 m, rất thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hái. Đặc biệt, giống vải, nhãn rất được chim dơi ưa thích nhưng chiều cao cây thấp nên hạn chế được tình trạng dơi cắn phá mùa trái chín. Hiện tại, bên cạnh diện tích đã cho thu hoạch (3 ha nhãn, 1 ha vải thiều), gia đình còn bán giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương, với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chí phí, bình quân mỗi năm gia đình lãi hơn 600 triệu đồng. Về bí quyết thành công, ông Phạm Đăng Tâm chia sẻ, do đặc thù thời tiết, khí hậu khá phù hợp nên nhãn, vải đậu trái rất nhiều, do đó, người trồng cần cắt tỉa 30% chùm quả khi mới đậu trái để kích cỡ trái lớn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đây là việc làm rất khó bởi thực tế ai cũng muốn cây của mình nhiều trái cho năng suất cao hơn nhưng nếu trái nhiều cây sẽ kiệt sức, quả nhỏ rất khó bán.

Ông Phạm Đăng Tâm bên cây nhãn sai trĩu quả trong vườn nhà.
Ông Phạm Đăng Tâm bên cây nhãn sai trĩu quả trong vườn nhà.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện chia sẻ, M’Đrắk có đặc thù là địa hình nhiều đồi núi, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp với việc phát triển cây ăn quả. Hiện tại toàn huyện có hơn 300 ha cây ăn quả, tập trung tại xã Ea Pil, Cư San, Cư Prao, Ea Riêng, Ea H’mlay, Cư Króa… Trong đó nhãn, vải, cam, quýt, bưởi được xem là những sản phẩm thế mạnh của địa phương vì chất lượng tươi ngon của nó. Đa số diện tích cây ăn quả đều được chuyển đổi dựa trên cơ sở cải tạo đất vườn tạp thành vườn kinh tế, phát triển trồng xen cây ăn quả trong các vườn cây công nghiệp lâu năm và thay thế một phần diện tích cà phê, mía, hoa màu kém hiệu quả. Với lợi thế nằm trên Quốc lộ 26 nên việc giao thương hàng hóa khá thuận lợi, người dân sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy.

Để thúc đẩy việc ứng dụng CNC vào sản xuất, Huyện ủy vừa ban hành chương trình phát triển nông nghiệp CNC theo hướng bền vững. Theo đó, tập trung hỗ trợ các hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp ứng dụng CNC vào địa bàn để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, sử dụng các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất lợi để phát triển cây ăn quả. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản đến tiêu thụ. Song song với các giải pháp xây dựng mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất là tăng cường kiểm tra, giám sát hóa chất độc hại trong các sản phẩm nông sản, từ đó xây dựng thương hiệu cho vùng.

Với những nỗ lực của người dân và sự giám sát, định hướng tích cực của huyện, hy vọng M’Đrắk sẽ sớm trở thành vùng sản xuất cây ăn quả CNC gắn với thương hiệu vùng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.