Multimedia Đọc Báo in

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về kinh tế lâm nghiệp

07:20, 29/08/2017

Với diện tích đất lâm nghiệp 77.250 ha, chiếm 57,8% diện tích tự nhiên của toàn huyện, những năm qua, kinh tế lâm nghiệp ở M’Đrắk đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, xóa đói giảm nghèo...

Theo Phòng NN&PTNT huyện M’Đrắk, những năm qua, do tình trạng phá rừng lấy đất canh tác của dân di cư không có trong kế hoạch từ các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra thường xuyên trên địa bàn dẫn đến rừng tự nhiên mỗi năm một suy giảm. Để nhanh chóng phục hồi, nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái..., Huyện ủy M’Đrắk đã ban hành Chương trình số 12-CTr/HU, ngày 8-8-2011 về phát triển kinh tế Lâm nghiệp giai đoạn 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sản xuất lâm nghiệp trong 5 năm qua đã có sự chuyển biến tích cực và theo hướng bền vững, từ chủ yếu dựa vào khai thác gỗ chuyển sang trồng, quản lý và bảo vệ rừng.  Trong 5 năm, toàn huyện đã trồng được 5.473 ha, bình quân 1095 ha/năm, đã góp phần phủ xanh đồi trọc, duy trì độ che phủ của rừng đạt 49,1%. Hiện diện tích rừng toàn huyện là 72.897 ha, trong đó, rừng tự nhiên 59.033 ha, rừng trồng 13.864 ha.

Sản xuất dăm gỗ từ rừng trồng ở HTX Tiến Nam, thị trấn M'Đrắk.
Sản xuất dăm gỗ từ rừng trồng ở HTX Tiến Nam, thị trấn M'Đrắk.

Từ nguồn hỗ trợ kinh phí dịch vụ môi trường, đến nay huyện đã thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng được 36.815 ha, tăng 30.000 ha so với năm 2011, thu hút 1.152 hộ nhận khoán. Riêng diện tích rừng tự nhiên giao theo Quyết định 304/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho người dân tộc thiểu số tại các xã Cư Prao và Ea Mlây không đạt hiệu quả, tỉnh thu hồi và giao lại theo chương trình chi trả dịch vụ phí môi trường, hiện nay rừng được quản lý bảo vệ tốt, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm cuộc sống cho nhiều hộ dân địa phương, ổn định an ninh nông thôn. Việc đổi mới hình thức giao đất giao rừng cho hộ gia đình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động, từng bước xã hội hóa nghề rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn. Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của UBND tỉnh, từ năm 2012 các đơn vị đã chuyển sang khai thác gỗ rừng trồng, sản lượng đạt từ 75.000-130.000 m3. Để đảm bảo khai thác bền vững, các chủ rừng đã xây dựng phương án điều chế rừng trong từng giai đoạn, sau khi thu hoạch các chủ rừng triển khai ngay trồng mới và thâm canh rừng chu kỳ sau, tăng trưởng diện tích rừng trồng và khối lượng thu hoạch trong các chu kỳ tiếp theo nên luôn giữ ổn định độ che phủ của rừng.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, Chương trình số 12 của Huyện ủy về phát triển kinh tế lâm nghiệp được sự hưởng ứng tích cực của người dân nên đã tạo bước chuyển biến mới từ sản xuất phân tán, nhỏ lẻ chuyển sang đầu tư có chiều sâu, kết hợp đầu tư thâm canh rút ngắn chu kỳ trồng, năng suất cao góp phần tăng giá trị sản xuất, thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển, tạo việc làm thường xuyên, cải thiện thu nhập cho người lao động; giảm nghèo... Đồng thời, tạo tiền đề cho phát triển nghề rừng trong những năm tới phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện trong những năm qua vẫn còn thiếu tính bền vững; công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp thiếu đồng bộ nên nạn phá rừng làm rẫy và lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, chưa được xử lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả...

Với mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn tăng trưởng nhanh về kinh tế, phát triển xã hội bền vững với bảo vệ môi trường sinh thái, huyện M’Đrắk đang tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh trồng rừng sản xuất với quy mô trang trại lâm nghiệp; chú trọng công nghiệp chế biến gắn với tạo vùng nguyên liệu tập trung; quy hoạch ổn định và phát triển 2 loại rừng (rừng phòng hộ và rừng sản xuất) theo phương thức xã hội hóa có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; tạo ra khối lượng hàng hoá lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng nội địa và hướng đến xuất khẩu... Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 50-51%; hoàn thành giao đất giao rừng; giao khoán và bảo vệ rừng cho 1.200-1.500 hộ nhận quản lý và bảo vệ, giải quyết việc làm cho 3.500-4.000 lao động...

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.