Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
Từ trước đến nay, chăn nuôi vốn là ngành có ít sự rủi ro trong sản xuất nông nghiệp và luôn được định hướng phát triển để gia tăng giá trị ngành. Thế nhưng, hiện tại ngành này đang đối mặt với không ít khó khăn, rủi ro do biến đổi khí hậu và biến động thị trường.
Nhiều khó khăn
Vào thời điểm cuối năm 2015 đầu năm 2016, giá heo hơi dao động ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg. Với mức giá trên, người dân có thể lãi trên dưới 1 triệu đồng/con, khiến người dân đổ xô nuôi heo nái để bán heo con và vỗ béo heo thịt. Niềm vui chẳng được bao lâu thì cuối năm 2016 giá heo hơi giảm đột ngột xuống còn trên dưới 30.000 đồng/kg và chạm đáy vào cuối tháng 5-2017 còn trên dưới 20.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi rơi vào bế tắc.
Phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp được tổ chức tại huyện Ea Kar vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay giá heo tại các tỉnh phía Bắc đã tăng lên trên dưới 44.000 đồng/kg heo hơi, các tỉnh phía Nam là trên dưới 34.000 đồng/kg heo hơi, với mức giá này các doanh nghiệp mới bắt đầu có lãi, còn các nông hộ chăn nuôi vẫn còn lỗ.
Nhà nước đã nỗ lực đàm phán với Trung Quốc – thị trường chính của heo hiện nay nhưng rất khó xuất khẩu bằng đường chính ngạch, bởi họ đòi hỏi những yêu cầu khắt khe mà ngành hiện nay chưa thể đáp ứng được. Chưa hết, trong chăn nuôi, thức ăn là yếu tố chiếm trên 60% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời gian, mức độ hạn hán trong những năm qua tại khu vực Tây Nguyên kéo dài khiến đất đai khô cằn, cây cỏ bị chết khô, nguồn thức ăn tại địa phương giảm sút về lượng và chất làm cho giá thức ăn tăng cao.
Đặc biệt, thời tiết biến đổi bất thường không theo quy luật tạo điều kiện cho nguồn mang và truyền bệnh phát triển nhanh chóng dẫn đến nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh tăng cao. Sức ép cộng dồn của biến động tiêu cực từ thị trường và biến đổi khí hậu khiến ngành chăn nuôi hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Nông dân tìm hiểu về giống bò nhập nội tại một gian hàng nông nghiệp ở huyện Ea Kar. |
Lồng ghép nhiều giải pháp
Theo ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, do đó để thích ứng với biến đổi khí hậu thì ngành nông nghiệp cần phải quy hoạch vùng chăn nuôi gắn với trồng cây thức ăn thô, thức ăn xanh, chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, nhập khẩu một số giống gia súc, gia cầm khu vực châu Phi có khả năng chống chịu hạn hán để lai tạo với giống địa phương.
Đồng thời, ngành thú y cần giám sát chặt chẽ các loại bệnh phổ biến trên gia súc, gia cầm để kịp thời khoanh vùng, dập dịch, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chú trọng việc chế biến, dự trữ thức ăn, nước uống trong mùa khô bằng cách phơi, ủ rơm rạ, các phế phụ phẩm nông nghiệp, xây dựng bể chứa nước tại hộ gia đình và rải rác tại các đồng cỏ chăn thả trâu bò... Song yếu tố quan trọng nhất trong các nhóm giải pháp là tổ chức lại ngành chăn nuôi bằng cách liên kết các nông hộ lại với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ...
Với cách làm này, người dân dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước cũng như chia sẻ các thông tin về khoa học kỹ thuật, thị trường... Đặc biệt, cùng lúc các hộ dân có thể tập hợp nguồn hàng với số lượng lớn, có chất lượng tương đương, rất thuận lợi trong thương mại.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc