Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nghề nuôi chim yến: Sao cho bền vững? (Kỳ 2)

13:14, 09/08/2017

Kỳ 2: Cần quy hoạch để phát triển bền vững! *

Trước nguồn lợi từ chim yến mang lại, nhiều gia đình thi nhau đầu tư xây nhà nuôi yến tự phát trong khu dân cư, điều này không chỉ phá vỡ cảnh quan kiến trúc mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống tự nhiên.

Còn mang tính tự phát

Nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá nhanh, nhưng hầu hết đều mang tính tự phát. Điều đáng nói, các nhà nuôi yến đều nằm trong khu dân cư, gây không ít phiền toái cho người dân sinh sống xung quanh bởi tiếng ồn từ loa mở nhạc dụ yến và tiếng hót của chim yến. Đơn cử như nhiều hộ dân ở phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) rất bức xúc vì hằng ngày phải sống chung với tiếng ồn và hiểm họa về dịch bệnh từ việc nuôi chim yến tự phát của một cơ sở trên địa bàn. Tiếng máy dụ yến của cơ sở này bắt đầu mở từ 7h sáng và kết thúc vào 19h tối, không lúc nào dừng kể cả giờ nghỉ trưa. Đó là chưa kể đến nguy cơ dịch cúm gia cầm bởi yến là chim tự nhiên, phạm vi bay rộng và không thể dùng các biện pháp phòng bệnh. Trong khi đó, loài chim này rất dễ mắc phải vi rút cúm, nguy cơ lây truyền rất nhanh...

Mặc dù Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT, ngày 22-7-2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có hiệu lực ngày 6-9-2013 quy định: Chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN&PTNT hoặc Phòng Kinh tế nơi có cơ sở. Cá nhân nuôi trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải khai báo chậm nhất ngày 30-10-2013. Nếu có sự thay đổi về quy mô của cơ sở nuôi chim yến (diện tích nhà nuôi, số lượng chim yến) thì phải khai báo chậm nhất vào ngày 30-10 hằng năm. Đối với tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở để nuôi chim yến kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Song, đa số các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn đều phát triển một cách tự phát, không xin phép cơ quan có thẩm quyền.

Anh Nguyễn Đình Chung (huyện Ea Kar) giới thiệu hệ thống âm thanh để dẫn dụ chim yến đến cư ngụ và làm tổ.
Anh Nguyễn Đình Chung (huyện Ea Kar) giới thiệu hệ thống âm thanh để dẫn dụ chim yến đến cư ngụ và làm tổ.

Theo số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước  “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” (Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa), tính đến tháng 3-2017, tỉnh Đắk Lắk có 41 nhà yến, đứng thứ 22 về số lượng nhà yến trong tổng số 36 tỉnh thành có nuôi yến. Thế nhưng, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ về các hộ nuôi chim yến. Tính riêng địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có hàng chục nhà nuôi yến, tuy nhiên số hộ đăng ký chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Hồ Thị Cẩm Lai, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, toàn thành phố chỉ có khoảng 10 hộ đến xin phép xây dựng nhà nuôi yến nhưng chỉ có 3 hộ bảo đảm các quy định và được cấp phép cho nuôi. Hiện thành phố đang yêu cầu các xã, phường kiểm tra, báo cáo về tình hình nhà nuôi yến tại địa phương để siết chặt việc quản lý”.

Không chỉ nuôi yến không phép, các hộ nói trên còn không tuân thủ việc thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ, giám sát sức khỏe của đàn chim yến, xử lý chất thải trong quá trình nuôi chim yến theo quy định tại Thông tư số 35, dẫn đến công tác kiểm soát, quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Cần sớm quy hoạch vùng chăn nuôi

Nghề nuôi chim yến trong nhà chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng với giá trị kinh tế mang lại rất cao nên đã và đang trở thành xu hướng phát triển nông nghiệp mà các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay các ngành chức năng của tỉnh chưa có kế hoạch phát triển lâu dài mô hình này, việc cập nhật, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi chim yến cũng chưa được thực hiện dẫn tới tình trạng đa phần hộ dân nuôi một cách tự phát, tự mày mò học hỏi kinh nghiệm của nhau, chưa phát huy hết hiệu quả, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng này, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị quản lý chặt việc bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường trong hoạt động nuôi chim yến. Trên thực tế, công tác này ở các ngành chức năng, địa phương mới dừng lại ở tuyên truyền, hướng dẫn, chưa có chế tài xử phạt, bởi Thông tư 35 chưa hướng dẫn cụ thể việc xử lý các cơ sở, hộ nuôi chim yến không phép và vi phạm các quy định của pháp luật về ô nhiễm môi trường. Bà Nguyễn Thị Hoa Quỳ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết: “Hiện UBND tỉnh vẫn chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi chim yến, nên trước mắt đơn vị và các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra, hướng dẫn và vận động các hộ nuôi yến chú trọng việc vệ sinh chuồng trại nuôi chim cũng như hỗ trợ các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan ra môi trường”.

Thiết nghĩ, nếu có sự vào cuộc của các cấp, ngành thì nghề nuôi chim yến sẽ trở thành một mô hình phát triển kinh tế bền vững, không gây ra những hệ lụy xấu tác động đến môi trường và đời sống của người dân. Nên chăng, tỉnh cần sớm quy hoạch vùng khu nuôi yến để tránh việc phát triển nhà yến một cách tự phát; đồng thời, có kế hoạch nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi chim yến trong nhà cho bà con nông dân để nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Thông tư số 35 của Bộ NN&PTNT quy định: Người nuôi chim yến sử dụng âm thanh dẫn dụ, cường độ không được vượt quá 70 dBA trong khoảng thời gian từ 6-21 giờ, không được sử dụng từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.