Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nguồn lợi thủy sản tại huyện Lắk: Nguy cơ từ những kiểu đánh bắt hủy diệt

08:54, 14/08/2017

Huyện Lắk có nguồn mặt nước khá dồi dào với các hồ chứa như: Hồ Lắk, hồ Buôn Triết, Buôn Tría, Buôn Tua Srah…, cùng với mạng lưới sông mật độ khoảng 0,65 – 0,85 km/km2, thuộc lưu vực sông Krông Ana (chiếm 44%) và sông Krông Nô (56%)  - là 2 con sông lớn trong hệ thống sông Sêrêpốk.

Ngoài ra, tại địa phương còn có các suối nội địa bắt nguồn từ dãy Chư Yang Sin như suối Đắk Phơi, Đắk Liêng, Đắk Pắk, Đắk Mây… Hệ thống hồ, sông, suối dày đặc lại được bao bọc bởi địa hình đồi núi đã tạo nên lưu vực rộng lớn, đặc biệt là những cánh đồng trũng có nước quanh năm nên rất thuận lợi cho phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Theo thống kê của Phòng NN – PTNT huyện Lắk, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện ước khoảng 700 ha. Trong đó, ao hồ lớn 350 ha, ao hồ nhỏ 300 ha, ruộng trũng 15 ha, ao chuyển đổi 14 ha và một số diện tích nuôi cá lồng bè, nuôi cá nước lạnh, nuôi cá thâm canh. 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt 700 tấn, riêng sản lượng khai thác, đánh bắt ngoài vùng nước tự nhiên ước đạt 450 tấn; năng suất bình quân đạt 1 tấn/ha;

Người dân đánh bắt cá vùng ruộng trũng tại xã Bông Krang, huyện Lắk.
Người dân đánh bắt cá vùng ruộng trũng tại xã Bông Krang, huyện Lắk.

Trên địa bàn huyện hiện có 2 hội nghề cá: hồ Buôn Triết và Hồ Lắk, bảo đảm tiêu chí vừa đánh đánh bắt hiệu quả vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại hồ nước do mỗi hội quản lý. Trong đó, Hội nghề cá hồ Buôn Triết được thành lập từ năm 2009, qua các hoạt động của mình đã góp phần giúp các hội viên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và từng bước thoát nghèo. Hồ Buôn Triết có diện tích mặt nước bình quân khoảng 175 ha, là môi trường thuận lợi để các loài cá nước ngọt sinh trưởng tốt như mè, chép, trôi, trắm; trung bình mỗi ngày, mỗi hội viên đánh bắt được từ 5 – 7 kg cá các loại, vào mùa nước lớn số lượng cá đánh bắt có thể lên gấp đôi. Giá bán dao động từ 20 – 60 ngàn đồng/kg đối với các loại cá thông thường, với các loài cá có giá trị kinh tế cao như thát lát, cá lăng thì giá cao hơn. Cá đánh bắt từ hồ tự nhiên thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên đều được các thương lái ở TP. Buôn Ma Thuột đặt mua. Ông Khắc Ngọc Lập, hội viên Hội nghề cá hồ Buôn Triết cho biết, nghề đánh bắt cá là nguồn thu nhập chính cũng như giúp các hội viên thoát nghèo. Với khoảng 10 hộ nghèo và cận nghèo từ ngày thành lập, hiện nay hội chỉ còn 1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo.

Để duy trì và phát triển nguồn thủy sản tại các hồ đập trên địa bàn, hằng năm, được sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản tỉnh, cơ quan chức năng của huyện Lắk đã tổ chức thả các loại cá giống bổ sung tại đây: năm 2015 thả bổ sung 16.500 con, năm 2016 thả 17.000 con, gồm các loại cá  thát lát, chạch bùn, chép, mè, trắm cỏ, trôi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện, hiện tại, nguồn lợi thủy sản trên địa bàn đang có nguy cơ suy giảm mạnh, đặc biệt là các loài cá có giá trị kinh tế cao như thát lát, chình, chạch… do một số ngư dân khai thác đánh bắt bằng các loại ngư cụ mang tính hủy diệt. Để chấn chỉnh vi phạm này, năm 2016, huyện đã tổ chức 3 đợt kiểm tra liên ngành tại thị trấn Liên Sơn, phát hiện tịch thu và tiêu hủy 127 ngư cụ trái quy định, trong đó, lồng vây bát quái 38 cái, nò đăng 73 cái, lưới mắt nhỏ 7 đoạn... Riêng 6 tháng đầu năm 2017, đoàn liên ngành của huyện tổ chức 1 đợt kiểm tra xử lý vi phạm trong khai thác, đánh bắt, qua đó đã thu giữ và tiêu hủy 38 ngư cụ đánh bắt trái phép. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm trên còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng ngư cụ trái với quy định thường hoạt động vào chiều tối, ban đêm và rạng sáng, còn các đoàn kiểm tra thì thường làm việc theo giờ hành chính...

Ông Niê Y Hoàng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, Phòng đã tham mưu cho Sở NN-PTNT, Chi cục thủy sản có kế hoạch xây dựng Dự án hỗ trợ vốn bảo tồn các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá thát lát, lăng, ló, mè, chép, ếch, ba ba bằng hình thức nuôi thả tự nhiên ở các diện tích mặt nước lớn trên địa bàn huyện, cùng với hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng các mô hình nuôi trồng trên ruộng lúa 1 vụ nhằm đưa tiềm năng thủy sản trở thành thế mạnh của địa phương.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.