Multimedia Đọc Báo in

Thị trường điện máy, điện lạnh: Thưa vắng hàng Việt

09:48, 28/08/2017

Điện máy - điện lạnh là một trong những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn nhưng hầu hết các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh đều bán các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài, hàng Việt dường như vắng bóng.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, những năm gần đây xuất hiện nhiều trung tâm mua sắm hiện đại như Nguyễn Kim, Điện máy Xanh, Intimex Buôn Ma Thuột và các tuyến phố Y Jút, Phan Bội Châu… chuyên kinh doanh các sản phẩm điện máy, điện lạnh. Qua đó, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm công nghệ, nhưng điều đáng nói là ở đây hầu hết chỉ cung ứng những sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng của các tập đoàn đa quốc gia, hàng Việt chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và dường như vắng bóng.

Hàng điện máy, điện lạnh được bày bán, dễ thấy có đến hàng trăm loại sản phẩm, từ tủ lạnh, máy lạnh, quạt điện đến nồi cơm điện, lò vi sóng…, trong đó chiếm thị phần lớn vẫn là những thương hiệu: Panasonic, Sharp, Samsung, Mitsubishi, Toshiba, LG… chủ yếu được nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc... Hàng có xuất xứ thuần Việt rất hiếm hoi, may ra ở nhóm sản phẩm quạt điện thì có quạt cây, treo tường của hãng Asia (thuộc Công ty Cổ phần quạt Việt Nam) với giá chỉ 350.000 đồng/sản phẩm, nhưng cũng khá ít mẫu mã. Anh Nguyễn Mạnh Huy, chủ cửa hàng điện lạnh trên đường Y Jút cho hay, với các dòng sản phẩm ti-vi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh…, khách hàng thường chọn mua hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia hơn vì yên tâm về chất lượng, giá cũng cạnh tranh. Còn hàng điện máy của các doanh nghiệp thuần Việt rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khách hàng chọn mua hàng điện lạnh tại Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột .
Khách hàng chọn mua hàng điện lạnh tại Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột.

Khi được hỏi tại sao không bày bán thêm các mặt hàng trong nước sản xuất, nhiều chủ cửa hàng bán lẻ, siêu thị điện máy cho rằng, sở dĩ hàng Việt Nam thưa vắng trên thị trường điện lạnh, điện máy vì trong nước chưa có nhiều nhà máy sản xuất loại hàng  này nên phần lớn đều phải nhập khẩu. Khoảng 5 năm về trước, hàng Việt có ưu thế ở các sản phẩm như nồi cơm điện, bàn ủi…, nhưng do chậm cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, trong khi thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nhập khẩu với mẫu mã phong phú, tính năng hiện đại nên nhanh chóng thu hút khách hàng. Theo một nhân viên của Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột thì hàng điện lạnh, điện máy có đến gần 90% là nhập khẩu, chỉ một số ít hàng được lắp ráp tại Việt Nam.

Một nguyên nhân nữa khiến hàng điện máy, điện lạnh nội vắng bóng trên thị trường là Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, Cộng đồng Kinh tế ASEAN... Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành biểu thuế suất giảm dần về 0% cho các mặt hàng nhập khẩu từ những nước thành viên Hiệp định thương mại của Việt Nam, trong đó có hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu từ khu vực Châu Á có chất lượng cao và giá thành cạnh tranh nên đã kích cầu tiêu thụ nội địa tăng cao. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch hàng hoá nhập khẩu của nước ta đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16,2 tỷ USD, tăng 28,2%; điện thoại và linh kiện đạt 6,2 tỷ USD, tăng 29,5%...

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn đang được đẩy mạnh nhưng vẫn tồn tại một nghịch lý, dù muốn ủng hộ hàng Việt thì người bán lẫn người mua lại không có nhiều lựa chọn, bởi hàng  Việt, nhất là các chủng loại hàng nêu trên hầu như rất hiếm, không phong phú đa dạng  như  hàng ngoại. Do đó, để từng bước giành lại thị phần trong nước, trong bối cạnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, thiết nghĩ doanh nghiệp, trong nước cần chủ động hơn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, chăm chút cho các dịch vụ hậu mãi. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển chất lượng nguồn hàng…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.