Thoát nghèo nhờ mô hình sản xuất tinh dầu sả Java
Những năm gần đây, mô hình sản xuất tinh dầu sả Java của phụ nữ người dân tộc thiểu số tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) cho hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp họ vươn lên thoát nghèo mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Là người dân tộc Thái di cư từ miền Bắc vào xã Ya Tờ Mốt lập nghiệp, bà Vi Thị Mai (thôn 12) và bà Hà Thị Khăm (thôn 11) đã thử rất nhiều nghề, từ trồng lúa, buôn bán đến chăn nuôi heo, gà… nhưng đời sống vẫn rất chật vật, khó khăn. Một lần tình cờ xem được chương trình về mô hình làm tinh dầu sả Java trên đất cằn mang lại hiệu quả ở Tuyên Quang qua tivi, nhận thấy đây là hướng đi mới, phù hợp với loại đất đồi pha sỏi đá tại địa phương, hai bà đã cùng nhau tìm hiểu và bàn bạc để cùng phát triển mô hình này.
Bà Hà Thị Khăm đang ép tinh dầu sả Java. |
Năm 2015, bà Mai và bà Khăm khăn gói sang xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) tham quan và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ mô hình sản xuất tinh dầu sả Java của anh Nông Văn Mậu – là một trong những hộ đầu tiên phát triển thành công mô hình này. Sau khi nắm rõ kỹ thuật, gia đình 2 bà đã đầu tư 15 triệu đồng mua 5 sào sả giống tại đây để đưa về địa phương. Bà Hà Thị Khăm cho biết, bà đã mạnh dạn vay vốn thuê 3 ha đất, còn gia đình bà bà Mai cũng quyết định chặt 1,5 ha cao su 3 năm tuổi để cùng trồng sả nhằm phát triển mô hình sản xuất tinh dầu sả Java đầu tiên tại địa phương. Đến cuối năm 2016, khi sả sắp cho thu hoạch 2 bà tiếp tục lặn lội ra tận Tuyên Quang mua lò ép về đặt tại gia đình bà Mai để bắt đầu sản suất tinh dầu sả.
Sau hơn 2 năm, hiện 2 gia đình đang có 8 ha sả (bà Mai 5 ha, bà Khăm 3 ha) cho thu hoạch quanh năm. Bà Vi Thị Mai cho biết, việc trồng và chăm sóc cây sả khá đơn giản, không cần phun thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ bón phân mỗi năm 2 lần. Hơn thế, chỉ cần trồng 1 lần cây sả cho thu hoạch liên tục trong 5 năm mới trồng lại. Lá sả sau khi thu hoạch sẽ được phơi tại ruộng từ 1 – 2 ngày trước khi được vận chuyển về để tách tinh dầu nhằm đạt sản lượng tinh dầu tối đa. Trung bình cứ 30 - 45 ngày, gia đình 2 bà cắt lá 1 đợt (cắt từ phần rốn củ trở lên), ép được trên 150 lít tinh dầu sả Java. Được biết, mỗi lít tinh dầu sả được bán với giá dao động trên dưới 300 nghìn đồng cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi đợt thu hoạch 2 gia đình thu về hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, lá sả sau khi được tách tinh dầu còn được tận dụng làm phân hữu cơ, bón cho cây lúa, tiêu… giúp tăng sức đề kháng góp phần đem lại năng suất cao, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.
Bà Vi Thị Mai (bìa trái) và bà Hà Thị Khăm bên lò sản xuất tinh dầu sả Java. |
Mô hình sản xuất tinh dầu sả Java của bà Mai và bà Khăm không chỉ giúp họ thoát nghèo, trở nên khá giả hơn mà còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho hơn 10 người (trên 150 nghìn/ngày công) khi sả vào đợt thu hoạch. Hiện tại, xã Ya Tờ Mốt đã có 3 nhóm phụ nữ được học hỏi kinh nghiệm, tư vấn cách trồng, ép tinh dầu sả; 1 nhóm đã mua 5 tấn giống về trồng...
Với những hiệu quả đã đạt được, chính quyền địa phương khuyến khích 2 bà và người dân tiếp tục phát triển mô hình này, hướng đến xây dựng thương hiệu tinh dầu sả Java tại xã Ya Tờ Mốt.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc