Thúc đẩy phát triển hạ tầng: Triển vọng từ hợp tác công tư
Trước nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng tăng trong khi nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, từ năm 2016, tỉnh bắt đầu áp dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP) đối với nhiều dự án nhằm thu hút đầu tư...
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư PPP; Bộ Kế hoạch – Đầu tư có Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT về việc hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Để khuyến khích đầu tư, ngày 15-11-2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 8582/UBND-TH gửi các sở, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị đề xuất dự án, nhà đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng để thực hiện xây dựng dự án trên địa bàn quản lý; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hằng năm và các giai đoạn để thực hiện dự án PPP. Sở Tài nguyên – Môi trường hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án; kịp thời đề xuất xử lý để giao đất, thuê đất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được thanh toán bằng quỹ đất cho bên đối tác hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật về đất đai... Đồng thời, giao nhiệm vụ đầu mối thực hiện cho các huyện, thị xã, thành phố, tập trung lựa chọn các dự án tiềm năng, tính thương mại cao, góp phần tạo điều kiện cho hình thức hợp tác được áp dụng rộng rãi.
Đoạn đường Lê Duẩn nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh đang được cải tạo nâng cấp. |
Theo Sở kế hoạch – Đầu tư, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt 13 dự án PPP với tổng mức đầu tư 2.155,683 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề xuất gồm: Dự án đầu tư hạ tầng giao thông điểm dân cư thôn Lộc Tân, xã Phú Lộc (Krông Năng) diện tích 14,2 ha, dự kiến tổng mức đầu tư 38,7 tỷ đồng; Sân vận động Khu Liên hợp thể dục thể thao vùng Tây Nguyên, diện tích 27 ha, sức chứa 25.000 chỗ ngồi, tổng mức đầu tư 560,652 tỷ đồng; đường Giải Phóng đoạn từ Nguyễn Chí Thanh đến bùng binh Km5 (Quốc lộ 26, TP. Buôn Ma Thuột) với chiều dài 2,177 km, mức đầu tư 346,481 tỷ đồng. Các dự án đang trình thẩm định đề xuất gồm: hạ tầng giao thông khu dân cư tổ liên gia 35 (tổ dân phố 4, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), diện tích 16,76 ha, tổng mức đầu tư 268,763 tỷ đồng; hạ tầng giao thông trung tâm xã Ea Knuêk (Krông Pắc), diện tích 15,76 ha, tổng mức đầu tư 86,3 tỷ đồng. Còn lại 8 dự án đang trong quá trình được các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư lập đề xuất.
Ông Võ Ngọc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết, để bảo đảm tiến độ triển khai, UBND tỉnh đã giao cho Sở làm đầu mối quản lý hoạt động PPP, hướng dẫn các địa phương về tiêu chí lựa chọn dự án, mô hình, quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thương thảo ký kết hợp đồng, kiểm tra, giám sát... Giao Sở Tài chính chủ động ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho việc chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án đúng cam kết, đặc biệt là phần tham gia của Nhà nước, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế chính sách hướng dẫn, hỗ trợ trong việc xây dựng cơ chế chính sách, hướng dẫn cho từng dự án bảo đảm tính khả thi và quy định của pháp luật. Nhằm thu hút các nguồn lực từ khối doanh nghiệp, tỉnh cũng xác định việc đồng hành cùng doanh nghiệp là quá trình xuyên suốt. Trong đó, tỉnh đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư; các văn bản quy định liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp, khuyến khích, thu hút đầu tư... Đây chính là những nền tảng vững chắc cho việc triển khai PPP trong thời gian tới, góp phần trong việc hỗ trợ tái cơ cấu đầu tư, giảm gánh nặng cho ngân sách, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc