Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới: Xây dựng chợ Ea Tu bằng hình thức xã hội hóa

08:51, 01/08/2017

Thực hiện tiêu chí số 7 về xây dựng chợ nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đã huy động được hàng tỷ đồng để cải tạo, xây dựng chợ xã.

Chợ tạm Ea Tu hình thành từ những năm 1980, là nơi buôn bán của người dân và tiểu thương trên địa bàn xã. Chợ hình thành tự phát nên các gian hàng đều được dựng lên tạm bợ, mùa mưa đến việc buôn bán gặp nhiều khó khăn.

Do là chợ tạm nên trước đây bà con tiểu thương buôn bán trong chợ không phải đóng bất cứ khoản phí nào, đến khi địa phương có chủ trương xây dựng chợ mới bằng hình thức xã hội hóa, một số tiểu thương ban đầu không đồng tình. Tuy nhiên, sau nhiều lần được chính quyền, đoàn thể xã tuyên truyền, giải thích nên đa số các tiểu thương đã nhận thức được việc nâng cấp, cải tạo chợ là cần thiết nên đồng tình chủ trương này. Chị Võ Thị Thanh, tiểu thương tại chợ Ea Tu cho hay, chị kinh doanh mặt hàng quần áo ở chợ tạm hơn 20 năm nay, do cơ sở hạ tầng không được đầu tư nên buôn bán gặp nhiều khó khăn, mùa khô còn bán được, mùa mưa đến khu vực chợ lầy lội, nước mưa, bùn lầy làm vấy bẩn cả hàng hóa. Từ khi biết được chủ trương cải tạo chợ, lúc đầu chị cũng phân vân về mức đóng góp, nhưng khi tính đến việc kinh doanh lâu dài nên chị đã quyết định đóng góp tiền khoảng 40 triệu đồng để thuê 1 ki-ốt trong chợ. Tương tự, chị Hồ Thị Hường (thôn 3) cũng chia sẻ, chị kinh doanh mặt hàng ăn uống tại chợ hơn 10 năm nay, mỗi lần mưa đến nước tràn lai láng nên rất thưa khách đến ăn uống. Khi nghe tin có chủ trương xây chợ mới chị rất phấn khởi đầu tư tiền thuê ki-ốt trong khu nhà lồng với diện tích 3,2 m2 để kinh doanh.

Sau khi được các tiểu thương đồng tình chủ trương, tháng 10 – 2016, UBND xã Ea Tu đã xây dựng phương án làm chợ mới (trên nền chợ cũ, nằm cạnh Quốc lộ 14), đến tháng 12 – 2016 được UBND TP. Buôn Ma Thuột phê duyệt, chợ có diện tích hơn 3.000 m2, tổng kinh phí dự toán khoảng 2,6 tỷ đồng, chủ yếu được huy động từ các tiểu thương.

Người dân xã Ea Tu bán hàng tại khu vực chợ tạm.
Người dân xã Ea Tu bán hàng tại khu vực chợ tạm.

Cuối tháng 3 – 2017, chợ mới Ea Tu được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm nay. Nền chợ sẽ được nâng cao từ 30 – 50 cm; khu vực nhà lồng sử dụng vật liệu khung thép, mái lợp tôn, nền láng bê tông xi măng. Đối với khu vực vành đai chợ giữ nguyên hiện trạng, chỉ chỉnh trang, nâng cấp các ki - ốt, kinh phí do người dân tự bỏ ra. Cùng với đó, các hệ thống phòng cháy, chữa cháy; điện và các công trình phụ trợ như nhà ban quản lý, công trình vệ sinh... sẽ được xây dựng mới, đáp ứng theo tiêu chuẩn chợ trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Quầy, sạp trong khu vực nhà lồng sẽ được chia thành 2 loại: loại 1 diện tích sử dụng 3,2 m2, tổng số tiền đóng góp gần 7,8 triệu đồng, thời gian hợp đồng 9 năm (trong đó, đóng tiền lần 1 là 70% trước ngày khởi công; lần 2 đóng 30% còn lại trước khi nhận mặt bằng chợ); dự kiến khoảng 60 lô dành cho ngành thực phẩm tươi sống như cá, thịt, rau xanh, trái cây... Loại quầy sạp thứ 2 có diện tích sử dụng 6,4 m2, số tiền đóng góp gần 26 triệu đồng, thời gian thuê 15 năm; dự kiến khoảng 30 lô dành cho ngành hàng quần áo, giày dép, tạp hóa, ăn uống, giải khát…, hết thời hạn hợp đồng, nếu tiểu thương có nhu cầu thuê tiếp sẽ được ký hợp đồng.

Ông Nguyễn Hữu Vượng, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Ea Tu cho biết, Ea Tu có diện tích tự nhiên trên 2.800 ha, với hơn 3.400 hộ dân, đất đai màu mỡ, nguồn nông sản khá dồi dào, phong phú, nhất là các loại trái cây theo mùa  như sầu riêng, bơ, chôm chôm… nên nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa nội vùng tại chợ rất lớn. Hiện địa phương đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm công trình hoàn thiện đúng kế hoạch.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.