Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Các ngân hàng thương mại vẫn còn "dè chừng"
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 600 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký trên 4 nghìn tỷ đồng, nhưng cũng có đến 222 DN giải thể, ngừng nghỉ kinh doanh.
Như vậy, hiện toàn tỉnh có 6.697 DN còn hoạt động, trong đó ngoài 49 DN Nhà nước, 7 DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại 6.641 DN dân doanh hầu hết là DN nhỏ và vừa. Đây là đối tượng DN dễ bị “tổn thương” nhất trước các áp lực cạnh tranh, nhất là việc tiếp cận vốn rất khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, lồng ghép chương trình cho vay bình ổn giá với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp... đã góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, bởi đến nay dư nợ cho vay DN cũng chỉ được hơn 19 nghìn tỷ đồng, với 3.100 lượt DN vay vốn. Mới đây, tại một hội nghị ngân hàng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê cho rằng, nếu so sánh số lượng DN đang hoạt động với số DN được tiếp cận vốn vay của ngân hàng như hiện nay là quá thấp. Chưa kể con số 3.100 là số lượt chứ không phải số DN được vay vốn cho thấy việc tiếp cận vốn vay ngân hàng chỉ tập trung vào một số DN.
Nhà máy băm dăm của HTX Tiến Nam xuất bán sản phẩm. |
Thực tế cho thấy, vì những trở ngại trong tiếp cận vốn vay ngân hàng nên DN khó mở rộng sản xuất, bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh để phát triển và nâng tầm DN. Giám đốc một DN kinh doanh thiết bị văn phòng tại TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, DN nhỏ đấu thầu cung cấp thiết bị đã khó, khi đấu thầu thành công, việc huy động vốn để thực hiện gói thầu cũng là trở ngại không nhỏ đối với DN. Trong khi đó, nhiều DN xây dựng cơ bản cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để thực hiện các dự án. Theo đại diện một DN xây dựng trên địa bàn huyện Krông Ana, với đặc thù của ngành xây dựng có thời gian hoàn thành dự án lâu, chi phí đầu tư lớn nên nếu không có vốn vay ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa một lần DN này được vay vốn thông qua dự án mà tất cả phải sử dụng tài sản của DN để bảo đảm các khoản vay.
Những khó khăn dạng như trên tưởng chừng được tháo gỡ khi Quốc hội vừa mới thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có hẳn quy định cụ thể một số chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng thông qua các ngân hàng thương mại hoặc các Quỹ bảo lãnh tín dụng. Riêng đối với tiếp cận tín dụng qua “kênh” ngân hàng thương mại, Luật quy định theo hướng hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng thông qua phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính… Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng cũng là DN, nên việc bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng cũng là ưu tiên hàng đầu của họ. Nghĩa là tất cả các khoản vay, ngân hàng đều hướng đến việc bảo đảm bằng tài sản chứ không muốn cho vay thông qua phương án sản xuất, kinh doanh dù cho phương án đó được đánh giá có tính khả thi cao. Chưa kể, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chưa có văn bản quy định về các tiêu chí xác định khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được vay vốn. Do đó, dù đã có Luật, nhưng sự hỗ trợ tín dụng đối với DN thông qua Luật gần như chưa thể thực hiện được.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc