Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Thêm nhiều thách thức mới từ tiêu chí hộ nghèo

09:33, 08/08/2017

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017 Đắk Lắk nâng số xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) lên 30 xã và phấn đấu không còn xã dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, nhiều xã đang đối mặt với không ít thách thức khi các tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, y tế được xét theo quy định mới.

Hộ nghèo tăng mạnh

Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, thì ngoài tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người hằng tháng tăng lên 700 nghìn đồng trở xuống ở khu vực nông thôn (trước đây là 400 nghìn đồng trở xuống), chuẩn nghèo còn được đo lường ở mức độ thiếu hụt 5 dịch vụ xã hội cơ bản gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Điều này cũng kéo theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 của Đắk Lắk tăng lên 81.592 hộ, chiếm tỷ lệ 19,37%, trong khi giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Đắk Lắk giảm nhanh từ 20,82% cuối năm 2010 xuống còn 6,01% vào cuối năm 2015.

Nông dân trồng ca cao tham gia vào HTX ở huyện Ea Kar.
Nông dân trồng ca cao tham gia vào HTX ở huyện Ea Kar.

Do đó, để đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo áp dụng cho khu vực Tây Nguyên, các xã phải đạt tỷ lệ hộ nghèo 7% trở xuống đang là áp lực lớn đối với các xã phấn đấu về đích NTM năm nay. Đơn cử như huyện Cư Kuin, cuối năm 2016, toàn huyện có 7/8 xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo nhưng đến 6 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 2/8 xã đạt, đáng chú ý là xã Hòa Hiệp đang phấn đấu cán đích NTM trong năm 2017 cũng không giữ được tiêu chí này. Bên cạnh đó, tiêu chí số 10 về thu nhập và 15 về y tế cũng đang là nỗi lo của nhiều xã, bởi theo Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 quy định thu nhập bình quân đầu người/năm phải đạt 41 triệu đồng trở lên (theo bộ tiêu chí cũ là 27 triệu đồng); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế từ 70% nâng lên 85%; huyện đạt chuẩn NTM phải có 100% số xã được công nhận xã NTM, so với giai đoạn trước chỉ cần 75% số xã đạt chuẩn NTM… Việc nâng cao những tiêu chí này đang ảnh hưởng nhất định đến khả năng hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đạt 1.799 tiêu chí/2.888 tiêu chí, giảm 6 tiêu chí so với cuối năm 2016.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM, các tiêu chí đều được nâng lên về các chỉ tiêu đánh giá. Đây là những thách thức không nhỏ đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn. Vì vậy các địa phương sớm tiến hành soát các tiêu chí đã đạt được, từ đó có giải pháp phù hợp với từng tiêu chí. Đặc biệt với những tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, các địa phương cần kết hợp lồng ghép với chương trình, dự án khác để hỗ trợ nhau, xây dựng đa dạng mô hình sản xuất giúp người dân nâng cao trình độ canh tác và cải thiện thu nhập. Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết, để giải quyết những khó khăn trên thì việc phát huy tiềm năng sẵn có và thế mạnh của từng địa phương kết hợp với sự đầu tư của Nhà nước được xem là giải pháp tối ưu. Theo đó, trong năm 2017, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 10,74 tỷ đồng để các địa phương phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, cải thiện môi trường nông thôn… Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã giải quyết cho 48.161 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với số tiền trên 557,9 tỷ đồng; tập huấn nâng cao nâng lực cho 36 học viên là cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn, tổ chức 16 lớp tập huấn về công tác khuyến nông cho 640 lượt người tham dự, với khoảng 192 lượt người thuộc hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30%; xây dựng mô hình trình diễn cho khoảng 60 hộ nghèo tham gia; cấp, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho 925.846 thẻ cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng với số tiền trên 620,3 tỷ đồng…

Bài toán cho giảm nghèo  bền vững

Những con số nói trên cho thấy nỗ lực của Nhà nước trong việc hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất và giúp người nghèo thoát nghèo. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập để xóa đói giảm nghèo chủ yếu dừng lại ở việc tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi... Do đó, mới chỉ giúp nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chứ chưa thật sự mang tính bền vững vì không ít trường hợp khi mô hình kết thúc, nông dân không còn sự hỗ trợ thì tình trạng sản xuất lại quay về vạch xuất phát. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương cũng đã nhìn ra vấn đề này và cũng đã có các văn bản chỉ đạo về tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, nhưng hiện rất ít địa phương làm được điều này; do đó các đề án, chương trình chủ yếu vẫn nằm “trên giấy” với lý do là không có hoặc thiếu kinh phí và “bà đỡ” là doanh nghiệp.

Mô hình  nuôi gà  thả vườn cho hộ nghèo ở huyện Ea Kar.
Mô hình nuôi gà thả vườn cho hộ nghèo ở huyện Ea Kar.

Để hóa giải những khó khăn trên, nhiều địa phương bước đầu cũng đã thực hiện những liên kết sản xuất nhỏ như thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác và HTX nhằm kết nối nông dân lại với nhau để tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất tập trung và tìm kiếm một thị trường ổn định. Tuy nhiên, các địa phương vẫn mong muốn một cái “bắt tay” thật chặt của Nhà nước và doanh nghiệp để tạo đà cho những liên kết nhỏ này lớn mạnh thành một liên kết chuỗi giá trị hàng hóa hoàn chỉnh nhằm giải quyết tốt vấn đề nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.