Multimedia Đọc Báo in

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững: Tiến độ triển khai chậm, vì sao?

09:27, 08/09/2017
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã đi được nửa chặng đường nhưng đến nay tiến độ thực hiện Dự án tại Đắk Lắk vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. 
 
Theo kế hoạch, năm 2017 Dự án sẽ hỗ trợ cho các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, HTX) vùng Dự án xây dựng 5 công trình đường nội đồng; 5 sân phơi cà phê; 5 nhà kho bảo quản cà phê sau thu hoạch; hỗ trợ mua 5 máy sấy, 5 máy sơ chế, 5 bộ hàng hóa, thiết bị kỹ thuật; mở 2 khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho người đứng đầu các tổ chức nông dân; 1 khóa tập huấn kỹ thuật cho các kỹ thụật viên... Tuy nhiên, đến nay các hạng mục trên vẫn đang khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã có công văn đề xuất phương án cơ chế đóng góp nguồn vốn đối ứng tư nhân và cách thức triển khai thu đối ứng cho các hạng mục làm đường giao thông, sân phơi, nhà kho đối với các tổ chức nông dân, nhưng vẫn chưa được Ban quản lý Dự án Trung ương hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, đến nay việc thu vốn đối ứng để triển khai các hạng mục này vẫn chưa tiến hành được.
Một vườn ươm thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững.
Một vườn ươm thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

Theo kế hoạch, hợp phần cà phê sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ xây dựng sân phơi, máy sơ chế, chế biến cà phê... nhằm nâng cao thu nhập cho 63.000 hộ dân trên 69.000 ha canh tác bền vững với mức tăng thu nhập 15 triệu đồng/ha. Đặc biệt, Dự án sẽ chuẩn hóa hệ thống vườn ươm cà phê giống cho 5 tỉnh Tây Nguyên nhằm cung cấp 28,5 triệu cây giống bảo đảm chất lượng cho các hộ nông dân trong vùng Dự án trong 5 năm (bình quân 9,5 triệu cây/năm), trong đó Đắk Lắk 3 triệu cây/năm. Để thực hiện mục tiêu đó, Dự án VnSAT được Nhà nước và Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ đầu tư, nâng cấp 10 vườn ươm nhà nước, 57 vườn ươm tư nhân. Hiện tại, đã có 25 vườn ươm được công nhận, trong đó Đắk Lắk có 6 vườn ươm tư nhân và 2 vườn ươm nhà nước. Thế nhưng đến nay 6 vườn ươm tư nhân vẫn đang chờ ý kiến phản hồi của WB, 2 vườn ươm nhà nước đang chờ các sở chuyên ngành phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Do đó việc triển khai sản xuất giống để kịp cung cấp cho người dân vào năm 2018 là rất khó khăn. 

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa chọn được đơn vị đứng ra giám sát quá trình sản xuất cây giống - khâu quan trọng nhằm bảo đảm cây giống được giao cho nông dân đều phải đạt chất lượng theo quy định. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Dự án VnSAT Đắk Lắk cho biết, trước đây việc giám sát chất lượng cây giống được giao cho Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống sản phẩm cây trồng Tây Nguyên (Cục Trồng trọt) nhưng hiện nay đơn vị này lại chưa đảm nhận được do chưa có sự thống nhất của các bên. Do đó, Ban quản lý Dự án kiến nghị việc giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống nên giao cho Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đảm nhận. 
gh
Mô hình tưới tiết kiệm thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở huyện Cư M’gar.

 Dự án VnSAT Đắk Lắk được triển khai trong 5 năm (2015-2020) với tổng vốn đầu tư gần 270,7 tỷ đồng (trong đó, vốn IDA gần 162,9 tỷ đồng, vốn Chính phủ hơn 51,4 tỷ đồng, vốn tư nhân gần 56,4 tỷ đồng), nhưng vì các lý do trên nên từ khi triển khai đến nay mới chỉ giải ngân được gần 13,8 tỷ đồng, trong đó IDA hơn 11 tỷ đồng, đối ứng tỉnh hơn 2,6 tỷ đồng, vốn tư nhân là 125 triệu đồng. Riêng năm 2017 đã thực hiện các hoạt động tập huấn kỹ thuật trồng tái canh cà phê, phân tích và chẩn đoán dinh dưỡng, triển khai xây dựng mô hình sản xuất cà phê bền vững… với tổng chi phí gần 8,2 tỷ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân được hơn 7,3 tỷ đồng. Việc giải ngân chậm tiến độ cũng là nguyên nhân lớn làm chậm tiến độ triển khai của Dự án. 

Dự án VnSAT được triển khai trong bối cảnh ngành cà phê cần phải thay đổi lại cách tổ chức sản xuất, chất lượng cây giống khó kiểm soát… đã mở ra nhiều kỳ vọng cho người dân trong việc lựa chọn cây giống. Do đó, các vướng mắc nêu trên cần sớm được tháo gỡ để tạo sự bứt phá cho ngành như mục tiêu ban đầu của Dự án đề ra.
 
Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.