Phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng: Cần sự chủ động của người chăn nuôi
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đắk Lắk liên tục xảy ra các ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên cả trâu, bò, heo, với diễn biến phức tạp. Trong khi đó, công tác phòng bệnh cho gia súc vẫn chưa được người dân quan tâm.
Liên tục bùng phát các ổ dịch
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh LMLM liên tục bùng phát ổ dịch tại địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Búk, Ea H’leo, TX. Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột với 932 con gia súc bị mắc bệnh, chủ yếu xảy ra trên đàn bò, trong đó đã tiêu hủy 72 con bò và heo.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT kiểm tra tình hình dịch lở mồm long móng ở huyện Buôn Đôn. Ảnh: T. Linh |
Ổ dịch đầu tiên bùng phát tại huyện Ea Súp vào cuối tháng 3 làm cho 24 con heo bị mắc bệnh phải tiêu hủy. Nặng nhất là huyện Buôn Đôn, từ ngày 8 đến 13 - 6 đã có 17 hộ có dịch, khiến 157 con trâu, bò mắc bệnh. Cũng tại huyện Buôn Đôn, các ổ dịch này vừa tạm được khống chế thì đến ngày 2-8, dịch bệnh lại bùng phát ở buôn Ko Dung A,B (xã Ea Nuôl) và buôn Trí B, buôn Drang Phôk (xã Krông Na) khiến 317 con gia súc mắc bệnh, trong đó chết và tiêu hủy 13 con. Đây được xem là ổ dịch lớn nhất trên địa bàn tỉnh và có diễn biến phức tạp bởi dịch xảy ra trên cả trâu, bò, heo, phạm vi tuy hẹp nhưng tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ chết cao. Trong khi các ổ dịch cũ vẫn còn diễn biến phức tạp thì ngày 6-8 dịch LMLM xuất hiện ở xã Cư Bao (TX. Buôn Hồ) tại 3 thôn (25 hộ), với 194 con bò bị bệnh. Đến ngày 8-9, dịch đã lây lan sang địa bàn xã Bình Thuận khiến 39 con bò mắc bệnh. Cùng thời điểm đầu tháng 9, TP. Buôn Ma Thuột cũng ghi nhận 2 ổ dịch LMLM trên heo và bò ở phường Tân Lập và xã Cư Êbur, với 36 con bị mắc bệnh, trong đó chết và tiêu hủy 14 con heo.
Trước tình hình dịch bệnh LMLM bùng phát mạnh, tỉnh Đắk Lắk đã được Chính phủ và Bộ NN-PTNT hỗ trợ vắc xin để chống dịch, cụ thể: Bộ NN-PTNT hỗ trợ tỉnh 10.000 liều vắc xin nhị týp và 5.000 lít hóa chất; Chính phủ hỗ trợ 371.950 liều vắc xin nhị týp. Riêng Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đã cấp cho tỉnh 2,5 tỷ đồng để mua vắc xin nhưng phải chờ đấu thầu. |
Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, tình hình dịch bệnh LMLM năm nay diễn biến phức tạp, với nhiều ổ dịch và số gia súc mắc bệnh và chết tăng cao so với năm trước nhưng nguồn vắc xin phòng chống bệnh đến thời điểm này đã hết. Trước đây, theo Chương trình Quốc gia khống chế thanh toán bệnh LMLM giai đoạn 2016-2020, thì năm 2016 Đắk Lắk được cấp 1 đợt, với 178 nghìn liều, còn lại chuyển qua năm 2017 là 82.000 liều vắc xin nhị týp (O và A) và hiện đã cấp hết cho các địa phương phòng chống dịch. Tuy nhiên, năm 2017, Chương trình này tạm dừng và chuyển qua cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững khiến nguồn cung vắc xin bị gián đoạn, làm cho công tác chống dịch gặp nhiều khó khăn và không triệt để.
Người dân còn chủ quan
Bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp ngoài nguyên nhân do thời tiết còn do phần lớn người chăn nuôi chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Đơn cử, như gia đình bà H’Xuân Niê ở buôn Wang A (xã Cư Bao, TX. Buôn Hồ), ban đầu chỉ có 2 con bò trong đàn bỏ ăn, sưng chân, loét miệng, do chủ quan gia đình không chạy chữa, vẫn thả chung trong đàn nên sau đó lây lan ra cả đàn (7 con). Thấy tình trạng nguy cấp, gia đình mới báo cho thú y xã và được hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị, phun thuốc khử trùng chuồng trại... Tương tự, ở huyện Buôn Đôn, phần lớn số bò bị mắc bệnh đều không được tiêm phòng do chăn thả gia súc trong rừng, không chịu đưa về tiêm, thậm chí khi bò có dấu hiệu bị bệnh LMLM, hộ chăn nuôi vẫn đưa đi chăn thả rông mà không thực hiện các biện pháp chăm sóc đặc biệt như cho ăn cháo loãng, nuôi cách ly… dẫn đến tình trạng bệnh lây lan nhanh và tỷ lệ chết cao. Đó là chưa kể đến vấn đề chuồng trại chăn nuôi được các hộ làm rất tạm bợ, đa phần nền đất, lầy lội, ẩm thấp nên mầm bệnh phát triển rất nhanh. Riêng huyện Buôn Đôn, mặc dù nhiều hộ đã có ý thức xây nền chuồng bằng xi măng cho gia súc ở, tuy nhiên khu để chất thải lại sát với chuồng nên mầm bệnh dễ phát tán. Bên cạnh đó, với đặc điểm chăn nuôi thả rông vào rừng là chính nên rất khó khăn trong việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra tình trạng bò ốm chết do bệnh lở mồm long móng ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn). Ảnh: T. Linh |
Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, hiện nay tình hình dịch bệnh đã được khống chế nhưng nguy cơ bùng phát các ổ dịch mới rất cao. Do đó, các địa phương cần phải tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống và ngăn ngừa như: lập các trạm chốt chặn kiểm dịch 24/24, nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh ra vào vùng có dịch; hướng dẫn người dân cách tiêu độc khử trùng chuồng trại gia súc bằng hóa chất và vôi bột. Riêng đối với người chăn nuôi, khi gia súc bị bệnh, cần bổ sung các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như cháo loãng, cám gạo, cỏ mềm; không chăn thả rông; cách ly cá thể bị mắc bệnh để điều trị…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc