Multimedia Đọc Báo in

Tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi VietGAP

09:41, 08/09/2017
Sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) hiện đang là lựa chọn của nhiều nông dân để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm VietGAP không phải lúc nào cũng dễ dàng.
 
Kết nối thương mại
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh, các loại nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không nhiều, chủ yếu là nhóm hàng rau, củ, quả và mới đây là heo thịt. Mục tiêu chính và lợi ích lớn nhất mà VietGAP mang lại là người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm an toàn và chất lượng tốt. Ở đây chỉ xin đề cập đến sản phẩm heo thịt VietGAP đang mang lại những hiệu quả lớn về kinh tế, sản phẩm làm ra không đủ bán do nhu cầu tiêu dùng thịt heo sạch của người dân rất cao, mặc dù giá thịt heo áp dụng VietGAP bán ra cao hơn so với thịt heo thông thường từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. 
 
Tại Hội nghị kết nối thương mại mô hình chăn nuôi heo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP diễn ra ngày 25-8 vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột, đại diện của Trung tâm METRO Cash & Carry Buôn Ma Thuột cho hay, từ trước đến nay sản phẩm heo sạch có chứng nhận trên địa bàn Đắk Lắk hầu như không có, đối với mô hình này bên METRO như “bắt được vàng”. Tuy nhiên, đối với trung tâm bán buôn thì không có giết mổ trực tiếp, chỉ đi thu mua lại từ những lò mổ nên rất mong cơ sở chăn nuôi VietGAP có thể liên kết với các lò mổ theo chuỗi để sản phẩm đi vào siêu thị dễ hơn. Hiện bên METRO cũng đang cố gắng lập ra trại trung chuyển theo mô hình khép kín, từ nuôi trồng cho đến giết mổ để đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm sạch, có thể truy suất được nguồn gốc; nếu địa bàn Đắk Lắk làm được như vậy thì bên METRO sẵn sàng hợp tác.  
 
Mô hình nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại cám Fukoku  Tây Nguyên.
Mô hình nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại cám Fukoku Tây Nguyên.
 
Theo ông Đinh Thành Phương, Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2, chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP đang đi đúng định hướng của Bộ NN-PTNT là không kháng sinh, không chất phụ gia, không chất bảo quản, trong tương lai sản phẩm heo VietGAP sẽ vẫn có nhu cầu tiêu dùng dù giá bán có cao hơn các loại thịt heo thông thường vì nó đang đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng. Và điều quan trọng nữa là khi sản phẩm được chứng nhận VietGAP thì sẽ được sử dụng logo sản phẩm chứng nhận VietGAP in trên bao bì, đồng thời tại các siêu thị sẽ được dán logo lên quầy hàng bán sản phẩm, khi đó người tiêu dùng sẽ nhận biết được sản phẩm nào là an toàn và sẽ xóa đi tâm lý e ngại, hoài nghi lâu nay về sản phẩm an toàn. 
 
Còn không ít trở ngại
Trên thực tế, không phải sản phẩm VietGAP nào cũng được đón nhận nhiệt tình của người tiêu dùng. Nguyên nhân là do đa số sản phẩm được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay chỉ được chứng nhận chung chung chứ chưa thiết lập được nhãn hiệu hay mã nhận diện gắn liền với sản phẩm. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ cho giết mổ, chế biến còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Hữu Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại cám Fukoku Tây Nguyên (chủ mô hình nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP) cho biết, mục tiêu của Công ty không chỉ đưa sản phẩm tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên, mới đây đối tác bên Nhật qua kiểm tra và đánh giá tốt về quy trình chăn nuôi nhưng khi đưa đối tác đến lò mổ thì họ từ chối lấy sản phẩm vì cơ sở giết mổ không bảo đảm an toàn vệ sinh (không được che chắn, bụi bẩn, nguồn nước không bảo đảm…). Đối tác Nhật yêu cầu heo phải được mổ trong phòng lạnh theo đúng quy trình và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì họ mới chấp nhận sản phẩm. Còn theo bà Trần Thị Hoài Nga, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Hoàng Minh Phát, mục tiêu của công ty là đưa ra một quy trình chăn nuôi chuẩn để tạo ra một sản phẩm hết sức chất lượng nhưng giá cả hợp lý với người dân, sẽ sạch từ trang trại và ngon cho tới bàn ăn. Tuy nhiên, để làm được việc này cần có sự hỗ trợ từ phía tỉnh về quảng bá sản phẩm, hình thành chuỗi cửa hàng thịt heo sạch, nhất là việc tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp xây dựng lò mổ mini trong khu sản xuất để quy trình chăn nuôi được khép kín từ đầu vào đến đầu ra.
 
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đang là mối quan tâm của nhiều người, tuy nhiên để duy trì và phát triển còn nhiều vấn đề cần bàn. Đặc biệt là khâu giết mổ, các điểm giết mổ trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hiện đại. Đây là mối lo ngại lớn nhất của các sản phẩm chăn nuôi sạch, bởi chỉ sơ suất ở một khâu thì sản phẩm sẽ “có vấn đề” ngay về an toàn thực phẩm và rất khó truy ra được nguyên nhân bắt đầu ở khâu nào. Hiện tỉnh đã có quy hoạch khu giết mổ tập trung và nếu doanh nghiệp nào đứng ra đầu tư lò mổ theo đúng tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ được hỗ trợ tối đa 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư vẫn chưa dám vào, đây cũng là vấn đề nan giải.
 
Để hóa giải khó khăn trên, ông Đinh Thành Phương cho biết thêm, Trung tâm được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ về xây dựng quy chuẩn cho cơ sở giết mổ, theo đó các cơ sở chăn nuôi liên hoàn khép kín thì được phép xây dựng khu giết mổ theo yêu cầu bắt buộc và cuối 2018 sẽ được công bố. Còn theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, sẽ đưa vấn đề về cơ sở giết mổ báo cáo lên Sở NN-PTNT để tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp.
 
Minh Thuận

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.