Vận động dùng hàng Việt: Đừng bỏ qua tiểu thương bán lẻ
Trong việc phân phối hàng hóa đến người mua, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp sản xuất thì mỗi tiểu thương được coi như “kênh” nhanh nhất để tiếp cận người tiêu dùng (NTD).
Mỗi tiểu thương là một “đại sứ” hàng Việt
Thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn đã góp phần đưa hàng hóa Việt đến tay NTD. Tuy nhiên, để hàng hóa nội ra thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư mở rộng kênh phân phối mà quên mất vai trò rất quan trọng của tiểu thương trong việc tiếp thị hàng hóa, nhất là tại các vùng nông thôn. Thông qua các tiểu thương bán lẻ ở các chợ truyền thống, quầy tạp hóa, hàng Việt như có thêm một “đại sứ”, “tiếp thị viên” để quảng bá một cách hữu hiệu.
Là DN nhiều năm đưa hàng Việt về nông thôn, ông Bùi Quang Hòa, Phó Giám đốc Co.opMart Buôn Ma Thuột nhận định, ở thị trường còn nhiều tiềm năng này, vai trò của tiểu thương vô cùng quan trọng, họ sẵn sàng tư vấn miễn phí, giới thiệu về chất lượng hàng hóa, giá cả, so sánh với sản phẩm cùng loại… góp phần tác động trực tiếp đến việc quyết định chọn mua hàng của NTD. Nếu tiểu thương nhận định hàng hóa này tốt, bán chạy, giá cạnh tranh thì khách đến hỏi mua, họ cứ mang ra giới thiệu, sức mua vì thế sẽ cao hơn.
Tiểu thương Chợ 19-8 (huyện Cư Kuin) tư vấn, giới thiệu sản phẩm giày dép Việt với người tiêu dùng. |
Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện nay cả nước có gần 9.000 chợ truyền thống, chiếm tới 80% kênh phân phối nên được xem là một trong những phương thức phân phối chủ lực đưa hàng hóa đến NTD. Tiêu biểu như các mặt hàng rau quả phân phối trong trung tâm thương mại và siêu thị chỉ chiếm dưới 5% tổng số nhu cầu của người dân, trong khi các chợ truyền thống chiếm từ 45-50% và 40-45% thuộc về chợ "cóc", chợ tạm và những người bán rong. Riêng Đắk Lắk có trên 100 chợ nông thôn, trung bình mỗi chợ có vài chục đến hơn một trăm sạp hàng. Trong đội ngũ làm công tác bán hàng, tiểu thương là người tiếp xúc với NTD nhiều nhất. Vì thế, những sản phẩm có uy tín với tiểu thương sẽ dễ dàng được NTD chấp nhận hơn. Nhiều NTD trên địa bàn cũng thừa nhận, họ thích mua hàng ở chợ vì được trực tiếp trao đổi, nhận được sự tư vấn của tiểu thương, thậm chí, nếu không hài lòng thì có thể đổi lại món khác. Chị Nguyễn Thị Ngọc (huyện Cư M’gar) chia sẻ, chị thường chọn mua hàng ở chỗ người quen, khi chưa biết gì nhiều về chất lượng hàng hóa thì chị có niềm tin ở người bán. Chính vì tin tưởng nên họ giới thiệu món nào thì chị yên tâm mua về dùng thử.
Hướng đến giành thị phần
Cạnh tranh với hàng hoá, nhất là hàng tiêu dùng từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia… thời gian gần đây có mức giá hấp dẫn với NTD nhờ chi phí sản xuất thấp và sắp tới sẽ tận dụng được ưu đãi thuế của Hiệp định thương mại ASEAN, sự khó khăn của DN Việt là điều thấy rõ.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, sau 7 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ trọng hàng Việt tại hệ thống siêu thị đã tăng lên 80 - 90%, tại hệ thống chợ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt chỉ chiếm 50 - 60%. Tại các kênh bán lẻ như chợ và cửa hàng nhỏ lẻ, hàng Việt lại đang bị chia thị phần bởi các sản phẩm của Thái Lan, Indonesia… với chất lượng và giá khá bình dân, khiến hàng Việt đang vấp phải trở ngại lớn khi lên sạp cùng các nhãn hàng của nước này. Cùng với đó, trừ sản phẩm ở ngành hàng thực phẩm, các thương hiệu Việt nổi tiếng ở các ngành hàng khác dường như vắng bóng tại chợ truyền thống.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột. |
Trên thực tế, DN chinh phục tiểu thương mới giành được thị phần. Thái độ hợp tác và tư vấn nhiệt tình đang giúp tiểu thương có lợi thế giao tiếp trực tiếp với từng khách hàng, là điểm hơn hẳn các siêu thị, trung tâm thương mại. Để chiếm lĩnh thị trường này, đòi hỏi DN Việt phải hiểu chợ, hiểu tiểu thương nhiều hơn và có sự liên kết giữa DN sản xuất với các hộ kinh doanh. Nhiều tiểu thương cho rằng, họ rất sẵn sàng ủng hộ hàng Việt, nhất là hàng Việt có uy tín bởi, nếu bán cho người quen mà hàng hóa kém chất lượng thì sẽ giảm uy tín đi nhiều. Một vấn đề đáng bàn khác là mức chiết khấu, độ “ưu ái”, cho “gối đầu” của DN Việt dành cho tiểu thương ở chợ chưa cao so với sản phẩm của các DN trong khối ASEAN. Ngoài ra, nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng đi kèm chỉ được DN triển khai ở các siêu thị chứ ở chợ hầu như “vắng bóng” .
Do đó, DN cần “lắng nghe” tiểu thương nhiều hơn, bởi họ là người tiếp cận NTD nhiều nhất và có sẵn những đầu mối phân phối; những phản hồi về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xu hướng tiêu dùng của NTD sẽ dễ dàng được tiểu thương tiếp nhận.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc