Chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế từ việc chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua nhiều hộ chăn nuôi đã quan tâm xây dựng hệ thống xử lý chất thải góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đơn cử như hộ gia đình chị Nông Thị Thu (buôn Cuôr, xã Ea M'droh, huyện Cư M’gar) với trang trại chăn nuôi có diện tích gần 1 ha và nằm cách xa khu dân cư. Hiện nay, trang trại đang có gần 500 con heo thịt và hơn 2.000 con gà H’Mông, để bảo đảm môi trường trong chăn nuôi, chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phân loại chất thải của vật nuôi để xử lý riêng. Trong đó, chất thải từ chăn nuôi heo được thu gom xử lý để làm phân bón cho cây trồng, còn lại toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng của vật nuôi được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về hầm biogas để xử lý. Riêng chất thải từ việc nuôi gà, nhờ ứng dụng đệm lót sinh học nên chuồng trại không phát sinh mùi gây ô nhiễm. Đặc biệt, chính việc chú trọng bảo vệ môi trường trong chăn nuôi mà đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị rất hiếm khi bị dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 800 triệu đồng từ chăn nuôi...
Chuồng trại nuôi heo của gia đình chị Thu luôn được vệ sinh sạch sẽ. |
Tại TP. Buôn Ma Thuột, nhiều người dân cũng chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Đơn cử như hộ ông Vũ Ngọc Lân (đường Trần Quý Cáp, phường Tự An) hơn 3 năm nay áp dụng đệm lót sinh học trong việc chăn nuôi heo nên đã chấm dứt tình trạng mùi hôi thối và nước thải từ chuồng trại gây ô nhiễm môi trường. Cũng nhờ phương pháp này, chuồng trại chăn nuôi luôn bảo đảm sạch sẽ, đàn heo phát triển tốt, cho năng suất cao hơn. Hay như hộ ông Huỳnh Thanh Hải (thôn 4, xã Hòa Thuận) chăn nuôi gà quy mô lớn lên đến hàng chục nghìn con với hệ thống nhà lạnh khép kín vừa bảo vệ môi trường, vừa ngăn ngừa dịch bệnh cho vật nuôi...
Toàn tỉnh hiện có tổng đàn gia súc trên 1,1 triệu con, tổng đàn gia cầm khoảng 9,9 triệu con. Nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, thời gian qua các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình từng bước ứng dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường; nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn nhất thiết phải có hầm biogas, đệm lót sinh học. Bên cạnh đó, một số địa phương đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư vừa tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu mở rộng diện tích trang trại vừa tiện cho việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi; đặc biệt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đơn cử như xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư với tổng diện tích hơn 60 ha; hay như xã Cư Ni (huyện Ea Kar) có khu chăn nuôi tập trung rộng gần 13 ha…
Có thể thấy, khi chất thải trong chăn nuôi được xử lý tốt sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất sạch hơn, an toàn hơn. Do đó, bên cạnh việc nâng cao được ý thức của chính người chăn nuôi, các ngành chức năng cũng cần đẩy mạnh các biện pháp chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xử lý môi trường; xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh; khuyến khích người dân áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc