Multimedia Đọc Báo in

Lập nghiệp từ nguồn khởi nghiệp

10:22, 25/10/2017

Nhằm giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, năm 2009 Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh đã thành lập Quỹ Khởi nghiệp và đã hỗ trợ hàng chục thanh niên có vốn phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2011, tốt nghiệp khoa Giáo dục Chính trị (Trường Đại học Tây Nguyên), Y Linh Niê (SN 1988, ở thôn 4, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) mãi vẫn không xin được việc làm nên quyết định bắt đầu sự nghiệp với mô hình trồng hoa cúc. Tháng 8-2012, Y Linh nhập gần 2.000 cây hoa cúc từ Đà Lạt (Lâm Đồng) về trồng thử nghiệm. Do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm rõ điều kiện thổ nhưỡng, cách chăm sóc, phòng bệnh nên toàn bộ số cây giống chết hết. Hai vụ tiếp theo, cũng không thành công, cây thì chết, cây thì không ra hoa, anh lỗ nặng.

Anh Y Linh Niê chăm sóc vườn hoa cúc.
Anh Y Linh Niê chăm sóc vườn hoa cúc.

Liên tiếp 3 vụ trồng hoa thất bại, vốn liếng cạn dần nhưng Y Linh vẫn quyết không từ bỏ con đường mà mình đã chọn. Được gia đình động viên và Hội LHTN tỉnh cho vay 20 triệu đồng khởi nghiệp, Y Linh khăn gói sang Lâm Đồng học tập kỹ thuật trồng hoa một cách bài bản. Đầu năm 2013, Y Linh quay về nhà, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vừa học được vào trồng hoa, từ vụ này trở đi anh liên tục thành công, mỗi năm mô hình trồng hoa cúc cho lãi gần 100 triệu đồng. Có vốn, Y Linh đầu tư mua thêm 4 con bò lai sinh sản, thuê gần 1 ha đất, mặt nước ở buôn Ea Mấp (thị trấn Ea Pốk) để trồng hoa cúc và nuôi cá..., mỗi năm đem lại cho gia đình trên dưới 200 triệu đồng.

Tương tự, năm 2012 anh Trần Mạnh Linh (SN 1987, trú phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) tốt nghiệp một trường trung cấp xây dựng nhưng cũng không xin được việc làm. Sau khi lập gia đình, anh Linh tham gia phát triển mô hình vườn - ao - chuồng ở buôn Ea M’ta (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn). Tháng 10-2016 được Hội LHTN tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng từ Quỹ Khởi nghiệp, cùng với số vốn tích lũy từ trước đến nay anh quyết định đầu tư phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi heo rừng và trồng các loại cây ăn quả.

1
Anh Trần Mạnh Linh đang thu hoạch nhãn.

Với số vốn được hỗ trợ, anh Linh đầu tư mua thêm cây, con giống và xây dựng chuồng trại để phát triển sản xuất. Với gần 2 ha đất, anh trồng hơn 1.500 cây quýt  đường, 100 cây nhãn, 100 cây chanh không hạt, nhiều loại cây ăn quả khác cùng với gần 100 con heo rừng... đã đem về cho gia đình anh cả trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình kinh tế của gia đình anh Linh còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động tại địa phương. Anh Linh chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn của Hội LHTN tỉnh đã giúp gia đình tôi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Anh Dương Văn Hiền (SN 1986, ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cũng là gương thanh niên vượt khó phát triển kinh tế tại địa phương. Năm 2016, nhờ Hội LHTN tỉnh giới thiệu, anh Hiền là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu trong cả nước vinh dự được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Dự án khởi nghiệp của Trung ương Đoàn. Từ nguồn vốn này, anh Hiền đã mở rộng diện tích, quy mô mô hình chăn nuôi đa con của gia đình, như: phát triển đàn gà thả vườn hơn 300 con/lứa, thả 2 ao cá, nuôi thêm 10 con heo rừng lai. Hiện tại, mô hình đa con này cộng với gần 1 ha cà phê trồng xen canh hồ tiêu, điều... mỗi năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Không dừng lại ở đó, mới đây anh Hiền còn hùn vốn với bạn mở một xưởng làm cửa sắt, nhôm, kính tạo việc làm cho 2 thanh niên địa phương với mức lương khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Hiền còn là cán bộ Đoàn nhiệt tình, gương mẫu, trách nhiệm trong cương vị là Phó Bí thư Đoàn phường Tân Thành kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối trái tim và Đội trưởng Đội phản ứng nhanh về tai nạn giao thông của phường Tân Thành.

Anh Phạm Trọng Phát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN tỉnh cho biết: từ năm 2009 đến nay, Hội LHTN tỉnh đã vận động được nhiều mạnh thường quân, các doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Khởi nghiệp nhằm tạo cơ hội cho thanh niên khuyết tật, thanh niên hoàn lương... - những đối tượng ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, Quỹ Khởi nghiệp đã trao vốn luân phiên cho 27 thanh niên phát triển kinh tế với số tiền 163 triệu đồng. Mặc dù số tiền hỗ trợ còn hạn chế (chỉ từ 20 đến 30 triệu đồng/trường hợp) song điều quan trọng nhất là đã tạo được cơ hội, động lực cho đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế gia đình.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.