Cảnh báo tình trạng kiểm soát tài sản bảo đảm trong hoạt động ngân hàng
Để bảo đảm an toàn trong hoạt động, các ngân hàng đều có quy trình kiểm soát chặt chẽ, nhưng trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, không phải lúc nào phía ngân hàng cũng thực hiện được quy định này.
Chẳng hạn vụ việc mới đây nhất là việc cơ quan công an bắt hai cán bộ ngân hàng liên quan đến tài sản bảo đảm của các khoản vay. Theo đó, chiều 19-10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (Công an tỉnh) đã bắt tạm giam ông Đỗ Thái Vũ, Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Đắk Lắk (LienVietPostBank Đắk Lắk) để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Cùng bị bắt về hành vi này còn có ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Phòng giao dịch Ea Kar (thuộc LienVietPostBank Đắk Lắk). Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, vào năm 2011 và 2012, khi ông Vũ còn là Giám đốc, ông Minh là cán bộ tín dụng tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Tân An (Agribank Tân An) đã làm khống 7 bộ hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt 10,5 tỉ đồng. Đến cuối năm 2012, hai ông Vũ và Minh đều chuyển công tác về LienVietPostBank Đắk Lắk.
Trước đó, ngày 24-4-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN) đã có công văn gửi Công an tỉnh Đắk Lắk, đề nghị điều tra dấu hiệu tội phạm của hai ông Vũ và Minh. Theo NHNN, 7 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thế chấp tại Agribank Tân An chỉ có giá trị thực từ vài chục triệu đến trên 100 triệu đồng/hồ sơ. Thế nhưng hai ông Vũ và Minh đã định giá lên từ 2-3 tỉ đồng đồng/hồ sơ. Sau đó cho bảy “khách hàng” nêu trên vay 10,5 tỉ đồng (1,5 tỉ đồng/hồ sơ). Qua điều tra, có 3 người thừa nhận được thuê ký vào các hợp đồng vay vốn, trên thực tế không nhận tiền, không biết số tiền vay là bao nhiêu; còn bốn khách hàng còn lại không có thật. Theo cơ quan điều tra, số hồ sơ trên chưa phải là hết mà còn có thể nhiều hơn khi quá trình điều tra kết thúc.
Như vậy, tài sản bảo đảm, các hợp đồng tín dụng là có thật và đầy đủ cơ sở pháp lý, nhưng ngân hàng vẫn bị thiệt hại nặng mà không biết phải làm sao khi cán bộ của mình “làm bậy”. Mặc dù đã bị phát hiện, nhưng vụ việc có thể cũng chỉ dừng lại ở việc làm rõ được trách nhiệm của những người liên quan, còn việc thu hồi vốn – bản chất của xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm – gần như là rất khó thực hiện. Bởi tài sản là không đáng kể so với khoản tiền đã giải ngân, còn thực hiện thi hành án, khắc phục hậu quả… lâu nay vẫn là điều rất khó khăn đối với tất cả các bên liên quan. Theo một cán bộ ngân hàng, vấn đề quan trọng hơn, sở dĩ xảy ra cơ sự như trên, nguyên nhân sâu xa là do sự tồn tại của các “nhóm lợi ích” đã “vô hiệu hóa” mọi quy định, quy trình kiểm soát vốn được xem là rất chặt chẽ của các ngân hàng.
Có thể nói, vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo các ngân hàng cần có phương án kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra hệ thống, cán bộ của mình để kịp thời ngăn chặn, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc