Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn từ các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã

07:19, 03/11/2017

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) đã được thụ hưởng các hoạt động hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh, qua đó nâng cao năng lực hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Vận hành máy dệt thổ cẩm do Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ cho HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, TP. Buôn Ma Thuột.
Vận hành máy dệt thổ cẩm do Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ cho HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, TP. Buôn Ma Thuột.

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2016-2020, năm 2017 Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình HTX điển hình cho 6 HTX với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng từ ngân sách tỉnh bố trí. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, có 5 HTX được hỗ trợ sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, 3 HTX sản xuất cà phê theo chuỗi gồm: HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar), HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Kmát (Krông Pắc), HTX Sản xuất nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Minh Toàn Lợi (Krông Năng); và HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar) sản xuất chanh dây liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế (Flo); HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) gắn với chuỗi giá trị mía đường và sản xuất mía giống.

HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết có 97 thành viên chuyên sản xuất cà phê bền vững FLO với tổng diện tích hơn 183 ha, sản lượng 722 tấn/năm. Vừa qua, đơn vị được hỗ trợ 80 triệu đồng mua máy bắn màu hạt cà phê công suất 4 – 5 tạ/giờ phục vụ chế biến cà phê niên vụ 2017 – 2018. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, sau khi đưa vào vận hành, thiết bị này giúp HTX nâng cao năng lực sản xuất, bởi trước đây làm thủ công, việc tách, bắn màu cà phê chỉ đạt năng suất 50 – 70 kg/người/ngày. Không chỉ vậy, đơn vị còn giảm được số lượng nhân công, chi phí sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm (màu đều, đẹp hơn), qua đó, tăng giá thành sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

Chăm sóc vườn cây xen canh tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình An, huyện Ea H’leo.
Chăm sóc vườn cây xen canh tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình An, huyện Ea H’leo.

Đối với lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, đơn vị được chọn hỗ trợ theo chương trình trên là HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (TP. Buôn Ma Thuột) với 2 máy dệt thổ cẩm, trị giá 50 triệu đồng. Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc HTX cho biết, lâu nay, đơn vị gặp nhiều khó khăn về vốn mở rộng sản xuất do mức góp vốn của thành viên bình quân chỉ 500.000 đồng/người, thành viên ban quản trị tối đa 10 triệu đồng, trong khi HTX không có tài sản bảo đảm để tiếp cận vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh và vay vốn các tổ chức tín dụng. Do đó, nguồn hỗ trợ này rất thiết thực đối với hoạt động của HTX, cụ thể, nếu dệt tay khối lượng sản phẩm chỉ đạt 0,5 mét/ngày, còn dệt máy đạt 20 mét/ngày, năng suất sản xuất của đơn vị tăng lên đáng kể so với trước đây.

 

“Trong năm 2018, Trung ương sẽ phân bổ cho Đắk Lắk gần 4,8 tỷ đồng và ngân sách tỉnh bố trí hơn 4,1 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTX gồm: bổ sung Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (2 tỷ đồng); xây dựng, nhân rộng HTX điển hình (1 tỷ đồng); bồi dưỡng, đào tạo cán bộ (840 triệu đồng); đổi mới công nghệ kỹ thuật (800 triệu đồng); đăng ký xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa (200 triệu đồng); hỗ trợ thành lập mới HTX (200 triệu đồng); hỗ trợ HTX nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (200 triệu đồng)…”

Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Bên cạnh chương trình hỗ trợ HTX điển hình, nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực khác đối với các HTX cũng đã được triển khai. Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, từ đầu năm đến nay, Liên minh đã triển khai 12 lớp tập huấn và đoàn tham quan thực tế cho 500 học viên là cán bộ, thành viên HTX với tổng kinh phí 560 triệu đồng. Về tín dụng ưu đãi, cho vay lĩnh vực kinh tế tập thể đạt gần 113 tỷ đồng và có 8 HTX tiếp cận vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tổng số tiền 2 tỷ đồng. Đối với các HTX mới thành lập, Liên minh đã hỗ trợ cho 12/14 HTX với tổng số tiền 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố hơn 10,7 tỷ đồng bằng nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, với mức từ 450-750 triệu đồng/địa phương…

Toàn tỉnh hiện có 369 HTX, trong đó, 178 HTX nông nghiệp, 58 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 37 HTX vận tải, 47 HTX thương mại – dịch vụ, 37 HTX xây dựng và 12 quỹ tín dụng nhân dân. Thời gian qua, nhiều HTX thụ hưởng các chương trình hỗ trợ đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, do ngân sách bố trí cho phát triển HTX còn hạn chế, nên khả năng hỗ trợ mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế của HTX. Do đó, việc các HTX chủ động đổi mới hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động và tìm kiếm, tiếp cận nguồn tài chính từ các chương trình, dự án khác, nhất là chương trình sản xuất nông nghiệp bền vững và hợp tác quốc tế là hết sức cần thiết.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc