Ea Kar - vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Nằm ở cửa ngõ phía Đông tỉnh Đắk Lắk, đồng thời tiếp giáp với vùng Duyên hải – Nam Trung bộ thông qua các tuyến giao thông quốc gia trọng yếu như quốc lộ 26, 29 và đường Đông Trường Sơn… huyện Ea Kar được xem là vùng đất hội đủ những điều kiện để phát triển ngành kinh tế du lịch.
Phong phú tiềm năng
Trong Đề án Phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Ea Kar được quy hoạch và xác định là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của tỉnh nhờ sự phong phú, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên vốn có.
Tiêu biểu là Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô được đánh giá là “viên ngọc” quý trong hệ sinh cảnh rừng nhiệt đới thường xanh xen kẽ những thảm cỏ rộng lớn và ẩm ướt quanh năm hiếm có ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Hệ sinh cảnh đặc trưng này là điều kiện lý tưởng để cho các loại thú móng guốc sinh tồn và phát triển, nhất là bò rừng, bò tót lông xám quý hiếm trên thế giới hiện nay. Thêm nữa, do địa hình vùng rừng Ea Sô bị chia cắt mạnh trong suốt quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm, nên đã hình thành vô số thác, ghềnh, vách đá hiểm trở… tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ hiếm có trên cao nguyên Đắk Lắk. Trong đó Thác Bay, nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn là một trong những ngọn thác tuyệt đẹp và ấn tượng nhất với độ cao gần 30 m, rộng gần 200 m, trải dài gần 1.000m, kể từ đỉnh thác đến chân thác. Danh thắng này dù chưa được xếp hạng, giới thiệu và quảng bá rộng rãi như nhiều ngọn thác khác, nhưng cũng được nhiều người biết đến qua những chuyến du khảo vùng rừng kỳ thú này do một vài công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh kết hợp với Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tổ chức.
Hùng vĩ Thác Bay. |
Tiềm năng du lịch sinh thái Ea Kar còn có những mặt hồ (tự nhiên, cũng như nhân tạo) rộng hàng trăm héc-ta như lòng hồ thủy điện Krông H’năng, đập chứa nước Ea Rớt, hồ Ea Kar… được quy hoạch, xây dựng tại các khu dân cư sầm uất, kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ: đường giao thông, điện lưới quốc gia, dịch vụ - thương mại và vùng sản xuất công - nông nghiệp hiện đại. Đây là thế mạnh để ngành “công nghiệp không khói” Ea Kar khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch xanh, đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng cho người dân địa phương và du khách một khi cơ hội mở ra. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ, quy mô và có chiều sâu của nền nông nghiệp sạch, bền vững (là trang trại chăn thả bò tự nhiên, vườn cây trái đủ loại) đang được các doanh nghiệp, hộ nông dân ở đây đẩy mạnh sản xuất, thâm canh cũng đã bắt đầu cho thấy hướng đi khả quan của loại hình du lịch nông nghiệp – sinh thái vốn đang được du khách hiện nay yêu thích khám phá.
Những tour du lịch được kỳ vọng
Đầu tháng 11-2017 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Hiệp Hội Du lịch Đắk Lắk kết hợp với UBND huyện Ea Kar tiến hành khảo sát, đánh giá một số điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn nhằm xây dựng và thiết kế các tour, tuyến phục vụ du khách trong thời gian tới.
Du khách tham quan vườn cây ăn quả ở Ea Sô - Ea Kar. |
Sau chuyến khảo sát trên, ông Đặng Xuân Vũ – Công ty Lữ hành Dak Viet rất tâm đắc với tour khám phá Thác Bay (Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) kết hợp trải nghiệm, thưởng thức vườn cây trái trên địa bàn xã Ea Sô, Cư Elang…Theo ông Vũ, đây là tour du lịch khá hấp dẫn bởi sự phong phú và đa dạng sản phẩm và thực tế. Từ trung tâm Buôn Ma Thuột, chỉ mất khoảng 3 giờ đồng hồ xe chạy, du khách có thể đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Từ đây, ngay tại điểm dừng cạnh quốc lộ 29 (Đắk Lắk – Phú Yên), thả bộ xuyên rừng chừng 40 phút nữa là có thể đến Thác Bay. Du khách tha hồ thưởng ngoạn thắng cảnh, cây cỏ, chim muông (thỉnh thoảng còn được bắt gặp các loại thú thuộc bộ móng guốc như hươu, nai và thỏ rừng). Sau đó ghé vào các vườn cây trái: chôm chôm, nhãn lồng, vải thiều, cam, quýt… của nhiều hộ dân gần đó để trải nghiệm tận hưởng đời sống thôn quê trù phú, yên bình.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô
|
Đến chiều tối, du khách quay về thị trấn Ea Knốp để thưởng thức món cơm gà, đặc sản nổi tiếng của Ea Kar rồi ngược lên Buôn Ma Thuột nghỉ ngơi, tiếp tục hành trình khám phá Tây Nguyên thì quả là lý thú.
Từ “phác thảo” này, các hãng lữ hành như Dak Viet, Cao Nguyên, Banmeco, Đam San… đã lên kế hoạch xúc tiến, giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế tham gia tour du lịch sinh thái trên trong thời gian tới. Ông Phạm Chí Ta – Công ty Lữ hành Cao Nguyên, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Đắk Lắk còn kỳ vọng rằng: Thời gian dành cho tour thám hiểm Thác Bay – vùng rừng Ea Sô không chỉ một ngày đêm, mà có thể nhiều hơn, từ 3-4 ngày đêm, thậm chí cả tuần nếu như cơ sở hạ tầng và dịch vụ ở đây ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Lúc đó, có thể nói Ea Kar là điểm đến thật sự hấp dẫn và kỳ thú trên bản đồ du lịch Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Từ kỳ vọng ấy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Lê Ngọc Anh bày tỏ quyết tâm: Phải gấp rút xây dựng và hoàn thiện đề án phát triển du lịch huyện nhà, để trên cơ sở đó kêu gọi, thu hút đầu tư vào đây nhằm biến tiềm năng, thế mạnh trên thành hiện thực, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xã hội cho người dân địa phương.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc