Hiệu quả thiết thực từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Krông Ana luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Nhờ đó nhiều người dân sau học nghề đã có công việc ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống.
Nếu như trước đây, nhiều người dân xã Băng Ađrênh sống chủ yếu dựa vào nghề nông thì nay họ đã dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để làm ăn sinh sống. Gia đình anh Y Liễu Byă và chị H’Bin Bkrông, ở buôn Cuễ, xã Băng Ađrênh là ví dụ điển hình. Gia cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, thu nhập kinh tế chỉ dựa vào mấy sào đất bạc màu, vì vậy đói nghèo cứ đeo bám mãi. Từ năm 2014 đến nay, sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học nghề sửa xe máy và học may dân dụng theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956), đời sống kinh tế của gia đình anh Y Liễu và chị H’Bin ngày càng ổn định. Được đào tạo nghề, anh chị đã mạnh dạn mở cửa hàng sửa chữa xe máy và tiệm may mặc. Nhờ chăm chỉ lao động, làm ăn uy tín, cửa tiệm của hai vợ chồng ngày càng đông khách. Thu nhập khấm khá, hai vợ chồng đã sắm sửa được nhiều vật dụng có giá trị, con cái được chăm sóc tốt và ăn học tử tế. Nhìn thành quả ngày hôm nay có được, anh Y Liễu cứ tiếc: “Giá như được học nghề sớm hơn!” Với anh, hỗ trợ người dân học nghề chính là trao “cần câu cơm”, giúp cho những người dân nghèo ổn định cuộc sống.
Học viên của Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana tham quan mô hình trồng nấm rơm. |
Ông Phạm Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana
|
Ông Phạm Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết, từ năm 2013 đến 2016, Trung tâm đã mở 53 lớp dạy nghề, đào tạo cho 1.504 lao động với các nghề: trồng và khai thác nấm, may, chăn nuôi, sửa chữa xe máy, xây dựng, kỹ thuật nấu ăn, mây tre đan kỹ nghệ, tin học, điện dân dụng… Trong năm 2017, Trung tâm đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo 6 nhóm lớp sơ cấp nghề cho 211 học viên, đạt 70,3% kế hoạch. Đến nay, 100% xã, thị trấn có các mô hình đào tạo sau học nghề, trong đó có trên 50 mô hình trồng nấm, 6 mô hình sửa chữa xe máy, 29 tổ hợp xây dân dụng, trên 60 mô hình chăn nuôi. Sau khi học nghề, các học viên đã tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Thu nhập sau khi học nghề tăng 3-5 lần so với trước đây.
Để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, từ năm 2013-2016, Trung tâm đã đưa trên 200 lao động (khoảng 80% là lao động người dân tộc thiểu số) sau đào tạo đi làm việc tại công ty may các tỉnh. Song do tâm lý của lao động người đồng bào dân tộc thiểu số ngại rời xa buôn làng nên sau khi làm việc vài tháng họ đã bỏ về. Trước thực trạng đó, từ năm 2015, Trung tâm đã chuyển hướng đào tạo liên kết với các cơ sở may gia công, công ty may nhận hàng gia công tạo việc làm thường xuyên cho người lao động. Ngoài ra, Trung tâm còn tư vấn thành lập tổ thực hành sản xuất thử, làm cầu nối cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho học viên. Chỉ riêng nghề trồng nấm, sau đào tạo mỗi năm có khoảng 400-600 tấn nguyên liệu rơm rạ, mùn cưa, trấu, cây sắn được sử dụng và tạo ra khoảng 40-50 tấn sản phẩm, giá trị thu về trên 3 tỷ đồng/năm, tạo ra nhiều việc làm chỉ bằng việc sử dụng các phế liệu của ngành nông nghiệp.
Giáo viên của Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana hướng dẫn học viên kỹ thuật trồng nấm. |
Theo ông Nguyễn An Tòng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, sau nhiều năm thực hiện Đề án 1956, chuyển biến rõ nét nhất là người dân đã thay đổi nhận thức, từ thói quen sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã khơi dậy ý thức và tinh thần học hỏi của một bộ phận thanh niên, giúp họ có việc làm theo sở thích, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc