Huyện Ea Kar: Tập trung khắc phục thiệt hại sau bão
Cơn bão số 12 đã làm hàng nghìn héc-ta cây trồng, hoa màu của các hộ dân trên địa bàn huyện Ea Kar bị thiệt hại. Các đơn vị, ngành chức năng và người dân đang tích cực triển khai công tác khôi phục sản xuất.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, hơn 60% diện tích cây mía trên thửa đất rộng 8 ha của vợ chồng anh Bùi Văn Tuấn ở thôn 2, xã Ea Sô bị ngã đổ, trong đó có 30% diện tích gãy hoàn toàn. Anh Tuấn xót xa: “Gia đình tôi đã liên kết trồng mía với Công ty Cổ phần Mía đường 333 hơn 13 năm qua, chưa năm nào chịu thiệt hại nặng nề như vậy. Không chỉ năng suất, sản lượng, lợi nhuận vụ này giảm sút mà việc lưu gốc cho vụ sau cũng khó”.
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà (thứ 2 bên phải sang) cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường 333 kiểm tra tình hình thiệt hại của cây mía tại xã Ea Sô. |
Ngay sau khi cơn bão đi qua, lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường 333, nhân viên các đội sản xuất và cán bộ phụ trách địa bàn đã chia nhóm đi xuống từng khu vực, kiểm tra thực tế nhằm có hướng hỗ trợ, giúp đỡ bà con khắc phục. ông Lê Tuân, Trưởng Phòng Nguyên liệu, Công ty Cổ phần Mía đường 333 cho biết: Niên vụ 2017-2018, công ty liên kết với các nông hộ trên địa bàn huyện Ea Kar, M’Đrắk trồng mới và chăm sóc trên 7.150 ha mía. Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, đã có 1.205 ha mía bị đổ rạp, 4.932 ha bị đổ nghiêng, ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và trữ lượng đường. Công ty đã kịp thời hỗ trợ cho mỗi hộ 2,5 triệu đồng/ha để bà con có kinh phí thuê người chăm sóc, phục hồi cây mía, đồng thời lãnh đạo công ty cũng đang xem xét điều chỉnh lịch thu mua và sẽ cho nông dân thu hoạch sớm những diện tích đổ rạp.
Không chỉ có cây mía, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, hàng trăm héc-ta cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu, điều, cây ăn quả trên địa bàn huyện Ea Kar cũng bị thiệt hại nặng nề. Gia đình ông Đặng Trung Tính ở thôn 23, xã Cư Bông có 23 ha cao su đã trồng được 13 năm, mỗi ngày thu lợi nhuận từ 4-5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, cơn bão số 12 đã khiến 13 ha cao su của gia đình ông đã bị đổ gãy, thiệt hại hoàn toàn, nhiều diện tích khác cũng bị ảnh hưởng.
Toàn xã Cư Bông có 28 căn nhà bị tốc mái, sập đổ; trên 220 ha cây trồng các loại bị gãy đổ hoàn toàn do bão, trong đó nhiều nhất là cây cà phê và cao su. Trước tình hình đó, xã đã thành lập các đoàn đi thăm hỏi, động viên bà con, trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ nghèo bị hư hỏng nhà 2 triệu đồng, cử người giúp dân sửa chữa nhà ở. Đối với cây trồng, cán bộ xã cũng đã xuống tận nơi thống kê cụ thể diện tích thiệt hại để kiến nghị, đề xuất với UBND huyện và các cấp có thẩm quyền hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của UBND huyện Ea Kar, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, toàn huyện có 2.569 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó, nhiều nhất là cây mía với trên 1.870 ha, cây công nghiệp trên 260 ha, còn lại là các cây trồng khác. Sau bão, lãnh đạo huyện và các ngành chức năng đã thành lập đoàn làm việc trực tiếp với các địa phương nhằm chỉ đạo, trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà cho biết: Bên cạnh việc chỉ đạo sửa chữa đường giao thông, thu dọn cây cối bị đổ gãy, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân sửa chữa nhà ở, UBND huyện đã làm việc với các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhằm có hướng trợ giúp bà con khôi phục sản xuất. Đồng thời, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phục hồi cây trồng, khơi rãnh thoát nước kịp thời tránh ngập úng, thu hoạch những diện tích cây trồng đã đến kỳ thu hoạch và tận thu số cây hoa màu hư hỏng để làm thức ăn gia súc.
Để khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra, huyện Ea Kar đã đề nghị tỉnh hỗ trợ khẩn cấp 7,35 tỷ đồng, trong đó, 0,75 tỷ đồng để sửa chữa 150 căn nhà bị tốc mái, đổ sập; 4,7 tỷ đồng sửa chữa cầu; 1 tỷ đồng cho ngành Giáo dục sửa chữa cơ sở vật chất; 0,9 tỷ đồng cho các xã sửa chữa cơ sở vật chất văn hóa và hỗ trợ diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc