Multimedia Đọc Báo in

Làm thế nào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn?

07:01, 24/11/2017

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đang là chủ trương lớn của Chính phủ. Theo đà phát triển của xã hội và nhu cầu của thị trường, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giữ một vị trí cực kỳ quan trọng trong việc lưu chuyển tiền tệ và trong thanh toán giá trị của nền kinh tế.

Để đẩy nhanh tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ đã có hẳn Đề án cho giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh việc ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thanh toán điện tử, phát triển các dịch vụ thanh toán... còn có giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong thực tế, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực này là không hề đơn giản, bởi các dịch vụ ngân hàng liên quan đến việc không dùng tiền mặt chủ yếu được đặt tại khu vực đô thị, trung tâm mua sắm lớn chứ chưa vươn đến được vùng nông thôn. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 235 máy ATM, 737 điểm chấp nhận thẻ (POS) được đặt chủ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột, các trung tâm huyện lỵ.

Khách hàng thực hiện giao dịch tại máy ATM của Agribank Chi nhánh Cư Kuin.
Khách hàng thực hiện giao dịch tại máy ATM của Agribank Chi nhánh Cư Kuin.

Hiện, ngoài việc thanh toán qua POS (từ đầu năm đến nay có trên 500 nghìn lượt thanh toán, với doanh số gần 1.500 tỷ đồng), các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã phát hành khoảng 985 nghìn thẻ ATM, có doanh số giao dịch gần 14 nghìn tỷ đồng, nhưng giao dịch qua ATM mới chủ yếu dừng lại ở việc rút tiền mặt, trong khi thẻ ATM còn có nhiều tiện ích hiện đại khác có thể đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng. Hơn nữa, thẻ ATM chủ yếu được phát hành đến đối tượng công chức, viên chức để phục vụ việc trả lương, còn các đối tượng khác ở khu vực nông thôn vẫn chưa được tiếp cận một cách đầy đủ.

Khách hàng rút tiền mặt tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk.
Khách hàng rút tiền mặt tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk.

 

 

“Muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ thì họ sẽ cảm thấy an toàn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng” 

 
 
Giám đốc Agribank Đắk Lắk Vương Hồng Lĩnh

Bên cạnh sự thiếu hụt phương tiện thanh toán hiện đại, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến cũng khiến việc thanh toán không dùng tiền mặt còn chậm phát triển. Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) Vương Hồng Lĩnh cho biết, khách hàng khu vực nông thôn là đối tượng phục vụ chính của ngân hàng này, nên đơn vị rất chú trọng phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại ở nông thôn. Để khuyến khích khách hàng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank Đắk Lắk còn có các biện pháp hỗ trợ, mang về lợi ích kinh tế thiết thực như miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ, các hình thức khuyến mãi… Tuy nhiên, hầu hết các giao dịch, khách hàng đều sử dụng tiền mặt để gửi hoặc rút tiền mà không sử dụng tài khoản để thanh toán, bởi đây là thói quen khó bỏ của khách hàng khu vực nông thôn.

Trên thực tế, khách hàng khu vực nông thôn chủ yếu thực hiện các giao dịch nhỏ lẻ, thời gian ngắn, chi phí cao nhưng tạo ra ít lợi nhuận nên các ngân hàng chưa thật sự chú tâm phát triển dịch vụ ở khu vực này. Bên cạnh đó, khách hàng ở nông thôn là đối tượng chậm được hưởng lợi từ các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại, nhưng lại dễ bị tổn thương khi bất trắc xảy ra, nên tâm lý "cầm tiền trong tay mới chắc" vẫn còn phổ biến. Do đó, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, các ngân hàng cần đẩy mạnh công tác tiếp thị, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh thông tin đến với khách hàng. Ngoài ra, song song với việc triển khai nhiều chương trình khuyến mại, khuyến khích khách hàng mở tài khoản... cần bảo đảm cho khách hàng được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi tham gia dịch vụ ngân hàng nhằm tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.