Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Cư M'gar phát triển đàn bò lai

19:31, 15/11/2017

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có đồng cỏ lớn, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, huyện Cư M’gar có thế mạnh trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là chăn nuôi bò.

Trước đây, việc chăn nuôi bò hầu như tự phát và chủ yếu là giống bò địa phương có thể trạng nhỏ, ít thịt, phát triển chậm… nên hiệu quả kinh tế thấp. Gần đây, trước nhu cầu của thị trường về nguồn cung bò thịt ngày càng cao, giá trị của đàn bò được nâng lên, nông dân huyện Cư M’gar đã chú trọng đầu tư phát triển đàn bò lai.

Ông Chu Văn Bảo (phải) đang giới thiệu về đàn bò lai Sind của gia đình.
Ông Chu Văn Bảo (phải) đang giới thiệu về đàn bò lai Sind của gia đình.

Trước đây, ông Chu Văn Bảo (buôn Drang, xã Ea H’đing) nuôi giống bò địa phương nhưng do hình vóc nhỏ, trọng lượng thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu về giống bò lai Sind, gia đình ông Bảo đã mạnh dạn tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò mẹ nền địa phương của gia đình nhằm nhân đàn và cải thiện, nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò. Sau 14 năm phát triển đàn bò lai, gia đình ông đã có 14 con bò có hình vóc cao to hơn và xuất chuồng được 8 con (bình quân mỗi con bò có trọng lượng 200 – 300 kg), với giá cả thị trường giao động từ 100.000 – 130.000 đồng/kg hơi, gia đình ông thu được 25 – 30 triệu đồng mỗi con.

Hiện nay, ông Bảo đang duy trì nuôi 5 con bò, trong đó có 2 con bò mẹ, 1 con bê con, còn lại là bò giống. Ngoài thu nhập từ bán bò thịt và giống, ông Bảo cũng có thêm  thu nhập khá từ việc phối giống bò cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Ông Bảo chia sẻ: “Bò lai ăn tạp, lớn nhanh, dễ nuôi, một năm bò mẹ đẻ một lứa, sau hai tháng có thể động đực lại, mỗi con bê đạt trọng lượng 24 – 25 kg, đến khi trưởng thành có thể đạt 300 – 400 kg. Mỗi năm, bình quân gia đình bán một con bò, tính từ khi đẻ ra đến khi xuất chuồng mỗi tháng thu được 1 triệu đồng”.

Tương tự, gia đình ông Lý Văn Khởi cùng buôn Drang cũng chăn nuôi bò lai Sind nhiều năm nay. Tuy nhiên, ông lại nuôi bò vỗ béo. Do không có vốn đầu tư, mỗi năm ông chỉ nuôi 1 - 2 con bò, chăm sóc khoảng 6 – 7 tháng tuổi, khi bò đạt trọng lượng khoảng 80 - 100 kg hơi thì cho xuất chuồng, bình quân mỗi con thu 16 - 17 triệu đồng. Từ số vốn thu được, đến nay ông đã mua được một cặp bò về nuôi gây đàn. Theo nhận xét của ông Khởi thì việc nuôi bò lai không khó và hiệu quả kinh tế cao hơn giống bò cỏ của địa phương.

Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đã đầu tư phát triển chăn nuôi bò lai. Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, tính đến nay tổng đàn bò của huyện có khoảng 13.000 con, trong đó bò lai chiếm khoảng gần 40%, chủ yếu là các giống bò lai Sind và Brahman trắng. Bò được nuôi nhiều ở các xã Cư M’gar, Ea H’đing, Ea Tar, Cư Suê, Ea Đrơng… Việc phát triển chăn nuôi bò lai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.