Multimedia Đọc Báo in

Tan hoang "thủ phủ" rừng trồng

19:26, 15/11/2017

Trong những năm qua, trồng rừng (chủ yếu trồng cây keo) đã mang lại thu nhập khá cho hàng nghìn hộ dân ở huyện M’Đrắk, nhưng chỉ sau vài giờ bão số 12 quần thảo, “thủ phủ” rừng trồng của tỉnh đã hứng chịu thiệt hại nặng nề khi hàng nghìn héc-ta rừng trồng bị gãy đổ, khiến người dân gắn bó với nghề trồng rừng lâm vào cảnh khốn khó.

Đã hơn một tuần sau khi bão số 12 đi qua, những “vết thương” mà nó để lại vẫn rõ nét ở huyện nghèo M’Đrắk. Dọc quốc lộ 26 đoạn từ thị trấn M’Đrắk đi xã Ea Trang trước đây dọc hai bên đường xanh mướt những cánh rừng keo, nhưng nay đã xơ xác, xám xịt những cành lá cây keo khô héo.

Rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M'Đrắk ở xã Ea Trang bị gãy đổ do cơn bão số 12.
Rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M'Đrắk ở xã Ea Trang bị gãy đổ do cơn bão số 12.

Xã Ea Trang là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 1.000 ha rừng của người dân cùng nhiều diện tích rừng của các công ty trên địa bàn gần như bị xóa sổ. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trang Y Liêm Byă không giấu được lo lắng: “Rừng trồng đóng vai trò quan trọng trong kinh tế của địa phương, tạo thu nhập, công ăn việc làm cho người dân. Không có cây trồng nào trên vùng đất này đem lại hiệu quả kinh tế như cây keo lai, nhưng giờ rừng trồng đang khiến nhiều người dân ôm nợ”. 

Đứng trên quốc lộ 26, ông Ma Ốc (buôn Thi, xã Ea Trang) thất thần nhìn về ngọn đồi cách đó khoảng 300 m. Ở đó, 12 ha rừng trồng 3 năm tuổi của gia đình ông đã bị gió bão quật gãy hoàn toàn chỉ còn trơ lại những gốc cây chỉa thẳng lên bầu trời như những bãi chông. Đối với những người trồng keo, việc rừng keo từ 2-3 năm tuổi bị gãy là mất trắng hoàn toàn, vì thân keo còn nhỏ chưa thể thu hoạch được. “Chẳng còn gì nữa. Bây giờ chỉ còn chờ nắng lên cho khô rồi đốt, mất trắng bạc tỷ rồi”, ông Ma Ốc buồn bã nói. Theo những người trồng rừng ở đây, mỗi héc-ta keo với chu kỳ trồng và chăm sóc khoảng 5 năm, khi thu hoạch sẽ cho nguồn thu khoảng 70 - 100 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 20 triệu đồng, cũng cho lãi từ 50 - 80 triệu đồng.

Rừng trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người ở huyện M’Đrắk đã đầu tư mua đất trồng rừng. Bão số 12 trong chốc lát đã cuốn đi giấc mơ làm giàu từ rừng của họ. Anh Phạm Tiến Sửu ở thị trấn M’Đrắk đầu năm nay mua được 8 ha rừng, dự tính cuối năm sẽ thu hoạch nhưng bão đã làm gãy đổ hơn một nửa. “Mua xong có người mua lại nếu bán cũng có lãi hơn chục triệu 1 ha nhưng tôi không bán. Nay rừng bị bão quật đổ, muốn thu gom số cây gãy đổ để gỡ gạc lại chút đỉnh nhưng do rừng nằm cách đường chính hơn 10 km, trời vẫn đang mưa nên giờ cũng chỉ biết để vậy, chờ nắng lên chắc gỗ cũng mục hết”, anh Sửu than thở. Theo một số người làm nghề mua bán rừng trồng, có người vay cả chục tỷ đồng để mua rừng non - rừng chưa đến kỳ thu hoạch, chăm sóc đến khi thu hoạch để kiếm lời nay rừng đã bị “xóa trắng”, món nợ tiền tỷ không biết lấy gì để trả.

Theo thống kê trên địa bàn M’Đrắk có 13.864 ha rừng trồng, trong đó diện tích rừng trồng của các doanh nghiệp khoảng 8.000 ha, số còn lại là của người dân. Mỗi năm, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng khoảng 100.000 m3.

Với phần lớn diện tích rừng trồng nằm trên địa phận xã Ea Trang, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk chịu thiệt hại hết sức nặng nề. Công ty có 1.500 ha rừng trồng nhưng đã có hơn 800 ha rừng từ 3-5 năm tuổi bị gãy đổ hoàn toàn. Ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk cho biết, rừng trồng là nguồn thu nhập chính của đơn vị, dự kiến trong những năm tới mỗi năm sẽ khai thác khoảng 200 ha, thu về khoảng 8-10 tỷ đồng nhưng giờ thì cây rừng gãy hết rồi. Trong số 800 ha rừng bị gãy đổ, có 100 ha rừng 3 năm tuổi mất trắng hoàn toàn, số diện tích còn lại nếu thu gom kịp thời thì cũng chỉ vớt vát được khoảng 30 - 40%. Nhưng để thu gom được gỗ ở những diện tích này cũng không dễ dàng bởi rừng trồng của công ty nằm ở những khu vực địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, nhân công hiện nay khan hiếm, trời mưa thường xuyên… Ngoài ra, một số diện tích rừng trồng của Công ty có vốn Nhà nước hỗ trợ nên phải chờ chủ trương của tỉnh mới thu gom được. “Rừng trồng bị gãy đổ nếu không khai thác kịp thời gỗ sẽ hư hỏng, mục nát”, ông Hải lo lắng. Cũng theo ông Hải, trước mắt công ty sẽ khai thác những diện tích rừng ở vùng giao thông thuận lợi và có kiến nghị với tỉnh sớm cho chủ trương thu gom đối với những diện tích có vốn Nhà nước hỗ trợ để vớt vát được đồng nào hay đồng đó.

Một rừng keo bị gãy đổ ở xã Ea Trang.
Một rừng keo bị gãy đổ ở xã Ea Trang.

Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk, bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề đối những cây trồng chủ lực của huyện, trong đó diện tích rừng trồng bị thiệt hại rất lớn. Đến nay, huyện cùng với các xã đang kiểm tra, thống kê thiệt hại nên chưa có số liệu cụ thể. Nhưng sơ bộ cho thấy những xã có diện tích rừng trồng lớn như Ea Trang, Cư Króa, Ea M’doan, Cư San… đều bị thiệt hại. Người dân trồng rừng hiện đang gặp khó khăn về vốn để trồng mới lại rừng, địa phương sẽ có kiến nghị cấp trên xem xét, hỗ trợ để người dân sớm khôi phục sản xuất.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc