Từ vụ Khaisilk, nghĩ về niềm tin hàng Việt
Người tiêu dùng, kể cả những người chưa từng mua sản phẩm của Khaisilk, đều kinh ngạc và bất bình. Kinh ngạc là bởi việc tạo dựng một thương hiệu lớn, nổi tiếng, có chỗ đứng vững chắc trong thị trường, lại ở ngành hàng cao cấp không phải là điều dễ dàng thì sao lại xảy ra tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” như vậy? Bất bình là bởi sự sụp đổ niềm tin, lâu nay người tiêu dùng vẫn mua sản phẩm này với lòng tin tưởng và cả sự tự hào về một thương hiệu hàng Việt, thậm chí hãnh diện mang làm quà tặng cho đối tác, bạn bè quốc tế để giới thiệu về ngành dệt truyền thống của Việt Nam với những sản phẩm chất lượng không thua kém các nước, bỗng nhiên phát hiện ra sản phẩm này là một sự dối trá đáng tiếc.
Từ trường hợp Khaisilk, người ta còn phát hiện ra rằng, “ăn theo” lời kêu gọi “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng là sợ hàng Trung Quốc độc hại, kém chất lượng, không ít thương gia đã “biến báo” bằng cách nhập khẩu hàng Tàu rồi gắn mác hàng Việt mang bán để thu lợi “khủng”. Và chuyện này xảy ra ở rất nhiều ngành hàng, không riêng gì ngành may mặc. Một câu hỏi được đặt ra là: tại sao chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó” như vậy vẫn tồn tại ngay cả với hàng có thương hiệu? Vấn đề vẫn nằm ở nhu cầu của người tiêu dùng: muốn sử dụng sản phẩm không chỉ tốt về chất lượng, đẹp về hình thức, lại đa dạng, tiện dụng, luôn thay đổi về mẫu mã… Đáp ứng được tất cả những yêu cầu trên là “điểm yếu” của không ít doanh nghiệp Việt, nhưng để kiếm lợi, người ta sẵn sàng làm ăn gian dối, lừa người tiêu dùng! Vì thế, niềm tin của khách hàng vào những sản phẩm hàng Việt – mà khó khăn lắm mới tạo dựng được – đã bị sứt mẻ ít nhiều. Và những vụ việc như thế này là tác nhân gây khó khăn cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực sự muốn tạo nên những sản phẩm Việt chất lượng cao.
Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, bên cạnh việc các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt thương hiệu… thì giải pháp chủ yếu vẫn là từ phía các doanh nghiệp. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp Việt trước hết phải thoát khỏi suy nghĩ “kiếm lợi bằng mọi cách”, muốn giàu nhanh, làm ăn kiểu “chỉ thấy lợi trước mắt, bất chấp hại về sau” để tập trung đầu tư nghiên cứu thị trường, bắt kịp thị hiếu khách hàng, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, đặc biệt là phải thật sự coi trọng chữ “tín” trong kinh doanh. Khẳng định mình bằng những sản phẩm chất lượng thực sự chính là cách duy nhất tạo nên sự tin tưởng của khách hàng.
Hồng Hà
Ý kiến bạn đọc