Multimedia Đọc Báo in

Giữ màu xanh cho những cánh rừng

10:04, 29/12/2017

Rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch kết hợp với phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhưng để bảo vệ những cánh rừng này trước tác động xấu do con người gây ra in dấu biết bao mồ hôi, công sức của những người giữ rừng.

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, những cánh rừng của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn cây cối bắt đầu chuyển sang màu vàng (đổ lá vào mùa khô, đặc trưng của hệ sinh thái rừng khộp) để chống chọi với cái nắng nóng, thiếu nước. Đây cũng là thời điểm bắt đầu “cuộc chiến” nóng bỏng với cánh lâm tặc vì chúng lợi dụng các đường mòn vào rừng khô ráo, dễ di chuyển để khai thác, săn bắn động vật trái phép. Anh Phan Bá Hoàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 3 (VQG Yok Đôn) cho biết, trạm có 13 kiểm lâm viên quản lý, bảo vệ 4.000 ha rừng dọc bờ sông Sêrêpốk, nằm giáp ranh với 5 buôn của xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), với hàng nghìn hộ dân. Đời sống nhiều hộ còn khó khăn, một số người dân vẫn sống phụ thuộc vào rừng dẫn đến an ninh rừng ở đây thường xuyên bị đe dọa.

Để đối phó với tình trạng này, hằng ngày Trạm chia lực lượng thành 2 tổ băng rừng tuần tra để theo dõi những dấu vết, hành vi nghi ngờ có sự tác động đến rừng để kịp thời kiểm tra xử lý. Bên cạnh đó, mỗi tháng sẽ tổ chức tuần tra rừng dài ngày (3-5 ngày), đây là những chuyến đi hao tốn sức lực của kiểm lâm viên. Ban ngày phải băng rừng, vượt suối, tối đến ngủ trên những chiếc võng, mùa mưa ướt át lạnh lẽo, mùa nắng thì nóng như “chảo rang”.  

Kiểm lâm VQG Yok Đôn tuần tra bảo vệ rừng.
Kiểm lâm VQG Yok Đôn tuần tra bảo vệ rừng.

Chỉ tay về phía trước sân của Trạm, anh Hoàn cho biết, nhìn bãi tập kết phương tiện lâm tặc đưa vào rừng với mục đích vận chuyển gỗ bị lực lượng kiểm lâm tịch thu đã phản ánh phần nào “áp lực” của rừng nơi đây. Trên một bãi đất trống giữa rừng, hàng trăm chiếc xe đạp thồ, xe máy độ chế với những hình dạng kỳ dị được chất đống. “Những phương tiện này hết sức cơ động khi ở trong rừng, chúng có thể “cõng” trên mình cả khối gỗ. Chính vì thế, tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến tài nguyên rừng”, anh Hoàn cho hay.

Ở cách đó khoảng 100 km, VQG Chư Yang Sin với địa hình đồi núi cheo leo hiểm trở là nơi bảo tồn những cánh rừng thường xanh ngút ngàn nguyên sinh; để giữ được những quần thể pơ mu cổ thụ hàng nghìn năm quý giá…, công việc giữ rừng cũng gian nan không kém. Dù địa hình hiểm trở, nhưng lâm tặc vẫn “mò” vào vào để tìm cách lấy gỗ và săn bắn thú rừng, do đó để giảm thiểu tác động xấu của con người lên những cánh rừng xanh tươi, quý giá này, kiểm lâm VQG Chư Yang Sin ngày ngày phải vượt qua những dãy núi cao chót vót, dốc dựng đứng, trơn trượt, nguy hiểm, lần theo từng lối mòn, dấu vết nghi ngờ để tìm kiếm phát hiện tác động của con người gây ra cho rừng. 

Đắk Lắk hiện có 227.821 ha rừng đặc dụng do các đơn vị VQG Yok Đôn, VQG Chư Yang Sin, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thủy tùng), Khu rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk quản lý, bảo vệ.

Giữ những cánh rừng có diện tích lớn vất vả là thế, bảo vệ những khu rừng đặc dụng diện tích nhỏ cũng chẳng dễ dàng gì. Minh chứng như tại BQL Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thủy tùng) dù diện tích quản lý bảo vệ nhỏ chỉ có 128 ha, nhưng áp lực cũng không kém, bởi nơi đây đang bảo tồn 2 quần thể thủy tùng quý giá còn sót lại trong tự nhiên của Việt Nam, trong đó, quần thể ở huyện Ea H’leo (140 cây), huyện Krông Năng (21 cây). Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc BQL Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước cho biết, do diện tích rừng này còn sót lại nằm cạnh nương rẫy, nhà cửa của người dân nên rất dễ bị xâm hại. Điển hình là vào tháng 10-2017, lợi dụng trời mưa to, gió lớn một số đối tượng cắt trộm một thân cây thủy tùng. Tuy các đối tượng bị bắt nhưng hành vi của chúng làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn loài thực vật quý hiếm này.

Để đảm bảo an toàn cho thủy tùng, những nhân viên giữ rừng ở đây luôn cảnh giác, túc trực ngày đêm, kể cả ngày nghỉ hay lễ, tết. Ở những vị trí rừng dễ bị tác động, buổi tối nhân viên giữ rừng còn mắc võng trên cây ngủ lại để canh giữ rừng. “Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thu nhập thấp nhưng anh em trong đơn vị luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm để bảo vệ an toàn cho các quần thể thủy tùng hiếm hoi này”, ông Phước tâm sự. 

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc