Gỡ khó để phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Ea H'leo
Ngành nông nghiệp và nông dân huyện Ea H’leo đang nỗ lực áp dụng các giải pháp kỹ thuật, từng bước tiếp cận mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là hướng đến một nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Sau nhiều năm kinh doanh giống cây trồng, lại có điều kiện tham quan một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đầu năm 2017 anh Lê Văn Nhân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Văn Nhân (ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) quyết định đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn, với các loại rau như xà lách, súp lơ, cà chua ghép… Anh Nhân cho hay: “Nhận thấy nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân tăng cao nên tôi quyết định trồng rau an toàn. Trồng rau theo phương pháp này, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và quan trọng nhất là khâu chọn giống để loại bỏ nấm, mầm bệnh ngay từ ban đầu…”.
Anh Lê Văn Nhân (trái) ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo giới thiệu mô hình sản xuất rau an toàn của gia đình. |
Nhờ áp dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm và nhà màng nên vườn rau của anh Nhân phát triển tốt, không chịu ảnh hưởng bởi các loại sâu, bệnh hại và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, theo anh Nhân chia sẻ, trở ngại lớn nhất của phương pháp canh tác này là vốn. Hiện mức đầu tư một sào hệ thống nhà màng, tưới tự động có giá khoảng 200 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với nông dân. Mặt khác, các sản phẩm rau an toàn hiện vẫn phải bán ra chợ như những sản phẩm thông thường khác nên hiệu quả mang lại chưa tương xứng với kinh phí đầu tư. Anh Nhân cho biết: “Hiện chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng, ban ngành tích cực hoàn thành chứng nhận VietGap và xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm, rồi mới tìm đường vào bày bán tại hệ thống siêu thị”.
Theo ước tính, chi phí đầu tư để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao tốn gấp 4 đến 5 lần so với mô hình sản xuất truyền thống. Do đó tuy có nhiều lợi thế về đất đai, điều kiện khí hậu nhưng đến nay toàn huyện Ea H’leo chỉ mới có cơ sở của anh Nhân là được xây dựng bài bản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Người dân trên địa bàn huyện còn ngại do vốn đầu tư quá cao mà đầu ra lại chưa ổn định.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ea H'leo (phải) kiểm tra mô hình lúa lai Bio 404 tại xã Ea Hiao. |
Ông Phan Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết, đầu tư xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu nên địa phương đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, bà con nông dân từng bước chuyển đổi từ hình thức canh tác truyền thống sang canh tác nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ các loại rau, củ… mà còn với các cây trồng chủ lực: cà phê, hồ tiêu… đều được khuyến khích sản xuất hữu cơ, an toàn, nông nghiệp sạch…
Hiện huyện đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng rau sạch; giới thiệu đơn vị có chức năng để doanh nghiệp, người dân đăng ký, chứng nhận sản phẩm của mình. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để cán bộ, đảng viên, người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, quan tâm, tổ chức lại sản xuất, đầu tư vào những khâu quan trọng như giống, kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản sau thu hoạch qua đó tạo những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất đến cung ứng ra thị trường….
Huyện Ea H’leo đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó có mục tiêu xây dựng, phát triển vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả, rau an toàn… ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc