Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới của nông dân Cư San

08:51, 19/12/2017

Xã Cư San (huyện M’Đrắk) có khoảng 19.000 ha đất nông nghiệp, chiếm trên 91% diện tích đất tự nhiên toàn xã. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất sản xuất là đồi núi dốc, cằn cỗi, hệ thống thủy lợi kém. Một số thôn không chủ động được nguồn nước, chỉ trồng được 1 vụ lúa mỗi năm, cây trồng chủ yếu vẫn là ngô, sắn.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sau khi tham quan học hỏi mô hình trồng cây cam, quýt tại xã Cư Elang (huyện Ea Kar), từ năm 2010 một số hộ dân tại các thôn 9, 10, 11 đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi bạc màu sang trồng những cây ăn quả có múi và bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Năm 2013, gia đình anh Ma Văn Thành (thôn 9) đã chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Với hơn 2 ha đất đồi, anh Thành trồng 1.200 cây quýt đường và trên 300 cây cam sành. Sau 4 năm chăm sóc, đến nay vườn cam, quýt đã cho hai mùa thu hoạch, với năng suất khoảng 20 tấn quả mỗi năm. Với giá bán tại vườn từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Thành thu về hàng trăm triệu đồng.

Gia đình anh Ma Văn Thành (thôn 9, xã Cư San) thu hoạch quýt.
Gia đình anh Ma Văn Thành (thôn 9, xã Cư San) thu hoạch quýt.

Mấy năm gần đây, gia đình anh Giàng Seo Sinh (thôn 9) làm ăn ngày càng khấm khá nhờ trồng hơn 2.000 cây cam sành Hà Giang trên 2,5 ha đất đồi bạc màu. Cây cam sành Hà Giang có đặc điểm là cho nhiều quả, quả nhiều nước và ngọt. Do biết áp dụng kỹ thuật chăm sóc nên vườn cam của gia đình anh thường cho thu hoạch vào dịp giáp Tết Nguyên đán, thuận lợi trong việc tiêu thụ. Năm 2016, với giá bán tại vườn bình quân trên 13.000 đồng/kg, gia đình anh thu gần 100 triệu đồng. Năm 2017 này, giá tăng lên 14.000 - 15.000 đồng/kg, vườn cam sành của gia đình anh Sinh dự kiến mang về thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng. Là người tiên phong và thành công trong việc đưa giống cây cam sành Hà Giang vào trồng ở vùng đất đồi Cư San, anh Sinh luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho các hộ khác ở địa phương.

Đến nay, xã Cư San đã có hơn 15 ha cây trồng có múi, chủ yếu là cam, quýt, chanh... Tuy nhiên, hầu hết các diện tích này chủ yếu do người dân trồng tự phát; diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng giống chưa bảo đảm; kỹ thuật chăm sóc chủ yếu là do tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau chứ chưa được tập huấn. Bên cạnh đó, việc bảo quản sản phẩm chưa bảo đảm, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao; việc tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định. Khó khăn về giao thông cũng là một trở ngại lớn cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương... Vì vậy, về lâu dài việc phát triển các loại cây trồng có múi tại xã Cư San rất cần có sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.