Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy tiềm năng du lịch Cư M'gar

08:38, 25/12/2017

Với hệ thống thác, suối, núi, rừng cùng không gian lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn..., những năm gần đây huyện Cư M’gar đang từng bước khai thác các tiềm năng ấy để phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Huyện Cư M’gar có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với đồi núi tương đối nhiều như Cư H’lâm, Cư Suê, Cư M’gar, Cư Keh, Cư H’mar, Cư Sar, Cư Pông và các con suối Ea Tul, Ea Mdroh chảy qua địa bàn cùng 3 di tích danh lam thắng cảnh được xếp hạng và nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa. Cư M’gar còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của 25 dân tộc cùng chung sống, hầu hết các thôn, buôn đều còn lưu giữ món ăn truyền thống, có nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát, kể khan, hát ayray, hòa tấu nhạc cụ, múa mời rượu, múa khiên cùng những lễ hội văn hóa đa sắc màu.

Bên cạnh đó, huyện đã hình thành được những vùng chuyên canh sản phẩm cà phê bền vững, một số hộ đã tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bước đầu hình thành những vườn hoa, rau, củ quả sạch. Và một lợi thế quan trọng nữa là hệ thống giao thông thuận tiện nối liền huyện với các khu, điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, đặc biệt trong tương lai gần Quốc lộ 29 được đầu tư xây dựng đi ngang qua huyện, nối liền tỉnh Phú Yên đến cửa khẩu Đắk Ruê (xã Ea Bung, huyện Ea Súp)...

Khu  du lịch  sinh thái Buôn Wing  (xã Ea Kuêh,  huyện Cư M’gar).
Khu du lịch sinh thái Buôn Wing (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar).

Những lợi thế về sinh thái tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đã tạo điều kiện để Cư Mgar phát triển các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng...

Tuy nhiên ngành du lịch Cư M’gar hiện mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu phát triển. Trên địa bàn huyện chưa có các khu, điểm du lịch để thu hút khách. Hệ thống đường giao thông đến các thác nước chưa được đầu tư mở rộng, nhựa hóa, chưa đảm bảo các điều kiện để phát triển du lịch. Cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ nhà hàng mặc dù đã được hình thành nhưng chất lượng dịch vụ chưa cao (toàn huyện có 12 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 170 phòng, các cơ sở này có quy mô nhỏ, chưa có cơ sở đạt tiêu chuẩn xếp hạng về kinh doanh lưu trú du lịch theo quy định). Vì vậy lượng khách du lịch đến huyện rất ít, chủ yếu là khách tham quan trong ngày để nghiên cứu, khám phá phong tục, tập quán của đồng bào Êđê, tìm hiểu về rừng tại đồi Cư H’lâm, tham gia các lễ hội truyền thống. Chính vì vậy doanh thu từ hoạt động du lịch không đáng kể...

Biểu diễn cồng chiêng và múa mừng mùa trong Lễ mừng cơm mới ở buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar.  Ảnh: L.Hương
Biểu diễn cồng chiêng và múa mừng mùa trong Lễ mừng cơm mới ở buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar. Ảnh: L.Hương

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có sản phẩm du lịch gắn với lợi thế, tiềm năng và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần tăng tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, thời gian qua huyện Cư M’gar đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch và đạt được những kết quả nhất định.

Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã phối hợp với các ngành chức năng và đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc khảo sát, xây dựng tuyến, điểm du lịch; khuyến khích đầu tư hình thành các khu vườn chuyên canh sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ khách tham quan; chú trọng giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống... Qua đó đã có một số đơn vị tiến hành khảo sát, xin chủ trương và lập dự án đầu tư xây dựng điểm du lịch, trong đó có Dự án xây dựng điểm du lịch sinh thái nông nghiệp và cộng đồng tại xã Cư Suê của Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư Đam San với tổng mức đầu tư khoảng 48 tỷ đồng. 

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; ưu tiên lưu giữ, bảo tồn và phục dụng các phong tục tập quán, các nghề truyền thống, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch; đồng thời tạo điều kiện, kết nối mời gọi đầu tư và huy động các nguồn vốn cho các dự án phát triển du lịch tại địa phương...

Huyện Cư M’gar phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 7,5 - 8%/năm và chiếm tỷ trọng khoảng trên 7% giá trị thương mại dịch vụ của huyện; huy động vốn đầu tư xã hội đầu tư vào du lịch khoảng 100 tỷ đồng; phấn đấu hằng năm có từ 3.000 - 6.000 lượt khách đến du lịch; doanh thu từ dịch vụ du lịch bình quân hằng năm từ 3 - 5 tỷ đồng... (Theo Đề án Phát triển du lịch huyện Cư M’gar đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025).

 

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.