Multimedia Đọc Báo in

Nhìn lại chặng đường hợp tác Đắk Lắk – TP. Hồ Chí Minh

10:07, 29/12/2017

Sau 15 năm ký kết chương trình hợp tác toàn diện, Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội...

Năm 2002, Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh ký kết chương trình hợp tác phát triển toàn diện để hỗ trợ nhau về mọi mặt trên các lĩnh vực: kinh tế - văn hóa – y tế - giáo dục... Từ chương trình này, Đắk Lắk đã thu hút nhiều dự án (DA) đầu tư, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh thu hút 40 DA của các doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh, với tổng vốn đăng ký gần 10.000 tỷ đồng. Các DA hoàn thành và đi vào hoạt động đã tác động lớn đến chuyển dịch kinh tế của tỉnh, trong đó một số DA có quy mô đầu tư lớn như: Trung tâm Metro Cash & Carry Buôn Ma Thuột; Xí nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột; Trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần thương mại Nguyễn Kim; Nhà máy điện gió của Công ty TNHH H & Brother Real Estate... đã tạo nguồn thu lớn về ngân sách và các khoản đóng góp khác trên địa bàn tỉnh.

Người tiêu dùng mua sắm tại khu siêu thị Metro.
Người tiêu dùng mua sắm tại khu siêu thị Metro.

 

Sự liên kết, hợp tác khá toàn diện trên các lĩnh vực giữa TP. Hồ Chí Minh và Đắk Lắk đã góp phần giúp địa phương từng bước tạo dựng vị thế trong khu vực, trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa vùng Tây Nguyên. Có thể thấy sự tác động tích cực này rõ nét qua hoạt động hợp tác phát triển thương mại - du lịch.

Trên lĩnh vực nông, lâm  nghiệp, trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu của tỉnh, ngành nông nghiệp đã tạo điều kiện để các DN và nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh tiếp cận, triển khai thực hiện các DA trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, hiện nay đã có 12 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, thực hiện khung hợp tác giữa Sở Y tế Đắk Lắk và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II đã thực hiện đào tạo và chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh tại 1 bệnh viện tuyến tỉnh và 14 bệnh viện tuyến huyện, với tổng kinh phí khoảng 1,31 tỷ đồng. Tháng 5-2016, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử cán bộ đến Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk tiến hành khảo sát và triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020, gồm 2 gói kỹ thuật phẫu thuật tim hở và chấn thương chỉnh hình. Hiện nay, Đề án bệnh viện vệ tinh đã hoàn thành lý thuyết và thực hành cho 2 kíp phẫu thuật tim hở. Chuẩn bị kỹ thuật cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho Bệnh viên Chợ Rẫy hoàn thành khảo sát, ký hợp đồng chuyển giao giai đoạn I.

Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tham gia quảng bá sản phẩm tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê tại Buôn Ma Thuột năm 2017.
Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tham gia quảng bá sản phẩm tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê tại Buôn Ma Thuột năm 2017.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch – Đầu tư, sự hợp tác trên nhiều mặt như: xúc tiến, quảng bá du lịch, quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực... đã giúp Đắk Lắk thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hoàn chỉnh mảng du lịch nội địa, giảm chi phí, mang lại nhiều lợi ích chung cho hai địa phương.

Trong thời gian tới, tỉnh cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng cũng như góp phần bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của dân tộc Tây Nguyên như: Dự án xây dựng mở rộng khu vực Tượng đài Bác Hồ với các cháu thiếu nhi (tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng); Dự án Công viên Ama Thuột (tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng); Dự án Nhà mồ Buôn Ma Thuột (tổng vốn 5 tỷ đồng).

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.