Thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu lợi cao nhờ trồng cây ăn trái
Năm 1993, gia đình chị Nguyễn Thị Nga từ tỉnh Hải Dương vào lập nghiệp tại thôn 1, xã Ea Sar (huyện Ea Kar). Ban đầu, gia đình chị Nga cũng trồng cà phê, sắn cao sản như bao hộ dân khác trong thôn, song hiệu quả kinh tế mang lại không đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Nga (trái) trong vườn cam sành của gia đình. |
Năm 2012, tình cờ xem ti vi, đọc báo thấy nói về hiệu quả của mô hình trồng cây ăn trái, chị Nga quyết định về quê đưa 50 cây vải vào trồng thử nghiệm. Thấy cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Ea Sar nên chị Nga đã mạnh dạn phá bỏ 3 ha cà phê, sắn kém hiệu quả sang trồng vải, nhãn trái vụ và cam sành. Nhờ học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật trồng cây ăn trái nên vườn cây nhà chị phát triển tốt, cho năng suất cao. Đến nay, gia đình chị Nga đã có 300 cây vải, 50 cây nhãn trái vụ và 500 cây cam sành đang cho thu hoạch. Năm 2017, gia đình chị thu được gần 2 tấn vải, bán với giá 30.000 đồng/kg; 1 tấn nhãn với giá 30.000 đồng/kg; 2 tấn cam sành với giá 20.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị Nga thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng.
Chị Nga cho biết, diện tích vườn của gia đình là đất đồi, có độ dốc cao, phân bón dễ bị rửa trôi nên ngoài duy trì lượng nước tưới thường xuyên, liên tục, mỗi năm chị còn bón phân hữu cơ 3-4 lần cho vườn cây ăn trái để bảo đảm chất dinh dưỡng nuôi cây. Theo chị Nga, hiện nay trên thị trường rất ưa chuộng các loại trái cây nội địa, sản phẩm được thương lái vào tận vườn thu mua, nên không sợ “bí” đầu ra.
Không những làm kinh tế giỏi, chị Nga còn giúp đỡ hàng chục hộ gia đình khó khăn ở địa phương cùng phát triển kinh tế như: cung cấp giống cây trồng cho nhân dân; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để giúp họ phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Làm giàu từ mô hình đa cây, đa con
Từ quê hương Phú Yên đến lập nghiệp tại thôn 4, xã Ea Pil (huyện M’Đrắk), gia đình ông Võ Ngọc Kiên chỉ có hai bàn tay trắng. Vay mượn anh em, họ hàng mua được 1 ha đất rẫy, ông Kiên luôn trăn trở suy nghĩ trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với vùng đất này và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 1 ha đất trồng màu, ông mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang trồng mía và đào 4 sào ao để nuôi cá, kết hợp thêm chăn nuôi bò. Nhờ cần cù, chịu khó, tìm tòi áp dụng khoa kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mà ông làm ăn ngày càng khấm khá.
Ông Võ Ngọc Kiên đang thu hoạch chuối. |
Chưa bằng lòng với những kết quả đạt được, năm 2014, sau khi đi tìm hiểu và học cách trồng cây chuối tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, ông Kiên mạnh dạn vay thế chấp ngân hàng 100 triệu đồng để đầu tư trồng chuối. Ban đầu ông trồng thử nghiệm vài trăm gốc, sau 2 năm thấy chuối phát triển tốt, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, ít tốn kém, giá cả lại ổn định nên ông Kiên nhân rộng lên 3.000 gốc chuối tương đương với 2 ha, gồm: giống chuối Bala (Đà Lạt) và giống chuối Đôn (Philippin). Với 3.000 gốc chuối, mỗi năm gia đình ông Kiên thu hoạch hơn 32 tấn chuối, giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu về gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, từ 4 sào ao nuôi cá, 1 ha trồng mía, nuôi 4 con bò mang lại cho ông thêm nguồn lãi trên 100 triệu đồng. Hiện cuộc sống gia đình ông Kiên đang rất ổn định và ông đang tiếp tục đầu tư trồng 500 gốc nhãn, 250 gốc vải, 100 trụ tiêu và 1.000 gốc đinh lăng, hứa hẹn cho thu nhập cao.
Bình Nguyên - Nguyệt Sự
Ý kiến bạn đọc