Multimedia Đọc Báo in

Tìm đường xuất khẩu cho hạt ca cao Đắk Lắk

15:59, 29/12/2017

Là một trong những cây công nghiệp giàu tiềm năng ở Đắk Lắk, những năm gần đây, cây ca cao đã khẳng định được vị thế của mình bằng việc liên kết sản xuất theo chứng nhận quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua mô hình HTX.

Ở Đắk Lắk, cây ca cao có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, từ khí hậu thổ nhưỡng đến cây giống, kỹ thuật và chính sách quy hoạch. Đặc biệt, các HTX sản xuất ca cao sớm được hình thành đã giúp nông dân giữ được vùng nguyên liệu, duy trì mô hình liên kết sản xuất thông qua các HTX để hình thành chuỗi giá trị.

Các tổ chức, doanh nghiệp tham quan vườn ca cao trên địa bàn huyện  Ea Kar.
Các tổ chức, doanh nghiệp tham quan vườn ca cao trên địa bàn huyện Ea Kar.

Đắk Lắk hiện có khoảng 2.000 ha ca cao, năng suất đạt 12 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 1.400 tấn khô. Đặc biệt, dự án “Phát triển ca cao bền vững bắt đầu từ mô hình HTX” do Trung tâm Thương mại quốc tế Bỉ (BTC) và tổ chức mạng lưới những nhà sản xuất Châu Á - Thành Bình Dương (NAPP) tài trợ, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai thực hiện tại địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã kiện toàn xây dựng năng lực cho 2 HTX trên địa bàn tỉnh là HTX nông nghiệp, dịch vụ và thương mại Thành Đạt; HTX nông nghiệp sản xuất, thu mua và chế biến ca cao Ea Kar để sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn Thương mại Công Bằng (Fairtrade); khảo sát, hỗ trợ thành lập mới 1 HTX sản xuất ca cao tại tỉnh Đắk Nông. Theo đó, dự án đã tập huấn cho tất cả các nông hộ sản xuất ca cao tại 3 HTX về nhận thức Fairtrade và thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn Fairtrade; nâng cao năng lực cho cán bộ và thành viên tham gia HTX; hỗ trợ tiếp cận thị trường… Ông Hoàng Văn Thông, thành viên HTX ca cao Ea Kar cho biết, khi tham gia dự án, nông dân thường xuyên được hướng dẫn, tập huấn các biện pháp kỹ thuật canh tác như: tỉa cành, tạo tán, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh… và được thực hành ngay tại vườn ca cao nên hầu như nông dân học tới đâu là thấm tới đó, không bị lúng túng khi áp dụng vào thực tế.

Hiện nay, toàn dự án có  gần 450 hộ tham gia sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn thương mại công bằng tại 3 HTX, với diện tích trên 500 ha, sản lượng đạt khoảng 500 tấn hạt khô lên men, trong đó, Đắk Lắk có 2 HTX với diện tích trên 400 ha. Sản phẩm của họ đã được tổ chức Thương mại Công Bằng quốc tế FLO cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Fairtrade. Việc triển khai dự án “Phát triển ca cao bền vững bắt đầu từ mô hình HTX” bước đầu đã giúp người nông dân trồng ca cao khắc phục được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và sản xuất theo chứng nhận quốc tế. Sau hơn 1 năm hoạt động, đã có trên 500 tấn hạt ca cao lên men đạt chứng nhận Fairtrade, sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức Thương mại Công Bằng để cung ứng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến chocola và các sản phẩm từ ca cao.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, ở các đơn vị được cấp chứng nhận Fairtrade, sản phẩm của họ đã bán được với một mức giá ổn định hơn, đồng thời, bên mua cũng trả thêm một khoản tương ứng gọi là quỹ phúc lợi. Từ nguồn quỹ này, các đơn vị cũng đã đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, kho bãi, trường học… nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Vườn ca cao của nông dân trên địa bàn huyện Ea Kar.
Vườn ca cao của nông dân trên địa bàn huyện Ea Kar.

Riêng đối với các hộ dân tham gia sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn của FLO, họ đang rất hào hứng và thực hành theo chứng nhận này, từ chăm sóc vườn cây đến quá trình bóc hạt, lên men, phơi, sấy luôn bảo đảm theo tiêu chuẩn Fairtrade. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm ca cao của nông dân vẫn chưa được biết đến nhiều trên thị trường và đang bán như các sản phẩm cùng loại thông thường, chưa có được nguồn quỹ phúc lợi để đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng. Thông qua dự án, Liên minh HTX tỉnh mong muốn các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX ca cao trên địa bàn tỉnh được cung cấp sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến ca cao, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người sản xuất để họ yên tâm canh tác lâu dài loại cây này.

Fairtrade có những nguyên tắc cụ thể, chứng thực rõ ràng, thu mua sản phẩm theo một giá sàn tối thiểu, trả quỹ phúc lợi tương xứng; Fairtrade đã và đang bảo vệ quyền lợi cho rất nhiều nông dân nghèo, giúp họ được tham gia giao dịch một cách công bằng hơn, không bị ép giá. Hiện Đắk Lắk có 14 đơn vị được dán nhãn Thương mại Công Bằng, gồm 11 HTX sản xuất cà phê, 1 HTX sản xuất tiêu và 2 HTX sản xuất ca cao.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.