Multimedia Đọc Báo in

Triệu phú rau củ

08:40, 26/12/2017

Đang có một công việc ổn định cùng với mức lương mà bao người mơ ước ở TP. Hồ Chí Minh nhưng anh Phạm Thái Long (thôn 2, xã Yang Reh, huyện Krông Bông) đã quyết định nghỉ việc, trở về quê và chọn cách khởi nghiệp từ việc trồng rau.

Sinh ra trong một gia đình chuyên nghề trồng rau ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, anh Long luôn ấp ủ ý tưởng làm ra những sản phẩm rau củ an toàn để phục vụ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Đà Lạt là vùng chuyên canh rau nên quỹ đất hạn hẹp, sâu bệnh hại cũng dễ lây lan hơn nên rất khó để thực hiện. Sau một lần sang Đắk Lắk chơi, nhận thấy khí hậu ở đây có nhiều điểm giống với Đà Lạt, đất đai lại rộng rãi rất thích hợp để trồng rau, anh đem suy nghĩ này bày tỏ với gia đình và đã nhận được sự ủng hộ, giúp sức của bố mẹ. Cuối năm 2016, anh Long mua 14 ha đất trắng ở xã Yang Reh (huyện Krông Bông) để trồng rau. Ban đầu anh đầu tư 150 triệu trồng để trồng 1 ha hành tây và su hào. Khi bắt tay vào thực hiện anh gặp không ít khó khăn, như tốn khá nhiều công sức để cải tạo đất đã hoang hóa lâu nay, đã vậy lại chưa nắm rõ thời tiết, gió mạnh khiến cho lá hành tây bị dập nát, gãy đổ không thể ra củ, còn su hào thì phát triển chậm hơn so với chu kì sinh trưởng, nên lứa rau đầu tiên gần như mất trắng.

Anh Phạm Thái Long chăm sóc vườn cà chua.
Anh Phạm Thái Long chăm sóc vườn cà chua.

Rút kinh nghiệm từ thất bại, anh Long đã biết lựa chọn các loại rau phù hợp với từng mùa. Được kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, anh mạnh dạn mở rộng diện tích gieo trồng lên 2,9 ha (2 ha cà chua, 6 sào su hào và 3 sào hành lá). Anh còn lắp đặt trang bị hệ thống tưới nước nhỏ giọt, béc quay tự động, bạt phủ để hạn chế cỏ dại, giữ độ ẩm và chất dinh dưỡng. Với phương thức sản xuất rau an toàn, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc hóa học trong phòng trừ dịch bệnh... vườn rau của anh luôn đạt năng suất cao. Với 4 ha trồng rau củ hiện nay mỗi ngày, anh cung cấp 1 tấn rau củ quả an toàn các loại cho thị trường TP. Buôn Ma Thuột và một số tỉnh khác như Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh… Ngoài ra, anh còn thực hiện dự án trồng rau sạch, cung ứng khoảng 400 kg rau củ mỗi ngày cho các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Sau một năm triển khai mô hình trồng rau, anh đã thu hoạch được 6 lứa rau củ các loại, sau khi trừ các chi phí, anh thu lãi hơn 600 triệu đồng.

Mô hình trồng rau của anh Phạm Thái Long là 1 trong 26 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi được Tỉnh Đoàn tuyên dương trong khuôn khổ chương trình Ngày hội thanh niên nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2017.

 Anh Long cho biết: “Việc nắm bắt được diễn biến của thời tiết sẽ giúp cho người trồng rau lựa chọn loại rau phù hợp cũng như hạn chế được những rủi ro. Mùa gió nên tránh trồng các loại rau lá mềm và thân leo như hành tây, dưa leo, đậu nhưng lại thích hợp để trồng cà chua, su hào, khoai tây, bắp cải…”.

Anh Long sử dụng bạt để giữ độ ẩm và hạn chế cỏ dại cho vườn rau.
Anh Long sử dụng bạt để giữ độ ẩm và hạn chế cỏ dại cho vườn rau.

Mô hình trồng rau không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân anh mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương (4 triệu đồng/người/tháng) và 5 lao động thời vụ, với mức thu nhập 150.000 đồng/ngày. Anh Long cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng, đồng thời phối hợp Huyện Đoàn Krông Bông tìm kiếm 5 hộ gia đình khó khăn hỗ trợ một phần đất canh tác, giống, kỹ thuật gieo trồng giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.