Văn hóa chợ và văn minh đô thị
Thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, các cấp, ngành trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động lập lại trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường; tuy nhiên, tình trạng lộn xộn, lấn chiếm lòng lề đường để họp chợ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi họp chợ là thực trạng đang diễn ra tại nhiều tuyến đường xung quanh khu vực chợ trên địa bàn thành phố. Đơn cử như tại chợ Tân Thành (phường Tân Thành), trên các đoạn đường xung quanh khu vực chợ từ lâu đã trở thành điểm tập kết hàng hóa, nơi buôn bán của nhiều người. Đặc biệt, tại đường Nguyễn Văn Sỹ (phía bên trái chợ), cứ tầm 6 giờ sáng trở đi, các tiểu thương bày la liệt rau, củ, quả, tôm cá, áo quần… cả trên lề lẫn dưới lòng đường, kéo dài từ khu vực chợ đến gần Trường Mầm non Tân Thành. Mỗi khi thấy xe đô thị của phường đi kiểm tra, họ lại í ới gọi nhau thu gọn hàng hóa vào khu vực được phép buôn bán. Khi xe đi khỏi, họ lại vô tư bày bán, thậm chí nhiều người còn bày ngay giữa mặt đường. Chính điều này đã ảnh hưởng đến việc lưu thông của người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, kèm theo đó là rác thải vứt bừa bãi gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.
Các tiểu thương chợ Tân Thành lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán. |
Dẫu biết việc lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán là sai quy định, nhưng nhiều người bất chấp bởi theo họ, việc bày bán như vậy “tiện ích” hơn cho người đi đường khi dừng ghé mua mà không phải mất thời gian gửi xe để vào trong chợ. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân sống xung quanh chợ cũng tận dụng cho thuê sân nhà để buôn bán. Cũng do vậy, trước kia nhiều tiểu thương thuê mặt bằng trong chợ để buôn bán thì nay đã trả hoặc nhượng lại để ra ngoài vỉa hè bán. Hay tại khu vực ngã tư đường Mai Hắc Đế và Giải Phóng (phường Tân Thành), từ lâu tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán dẫn đến hình thành chợ tự phát. Tại đây có khoảng 20 gian hàng với đủ loại thực phẩm từ rau củ, thịt cá đến cả việc giết mổ gia cầm, hoạt động chủ yếu vào buổi chiều tối.
Qua các đợt ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường trong năm 2017, Đội Quản lý trật tự cảnh quan đô thị TP. Buôn Ma Thuột đã xử phạt 708 trường hợp kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường với tổng số tiền gần 34 triệu đồng. |
Quả thực, chính thói quen “tiện đâu ghé đó” của người mua và sự chen nhau từng khoảng trống vỉa hè, lòng đường của người bán đã dẫn đến hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn tại các khu vực và gây bức xúc đối với những tiểu thương buôn bán trong chợ; đặc biệt, việc này đã ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị. Trong khi đó, lực lượng chức năng của các phường, thành phố thường chỉ có thể kiểm tra, xử lý “lướt” qua chứ không thế thường trực cả ngày; cũng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.
Chợ là nét văn hóa đặc thù của người Việt, là nơi giải quyết số lượng lớn việc làm cho người lao động, tạo kế sinh nhai cho hàng vạn người dân. Do đó, để lập lại trật tự khu vực chợ nên chú trọng đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho những người dân đang sống bằng nghề buôn bán; các ngành chức năng cần rà soát, bố trí quỹ đất xung quanh khu chợ để mở rộng quy mô đối với các chợ có nhu cầu mua bán lớn; nên giao cho Ban quản lý các chợ chịu trách nhiệm quản lý cả phần lòng đường và vỉa hè phía khu phố chợ nhằm bảo đảm chặt chẽ và khoa học hơn.
Thiết nghĩ, để thay đổi một thói quen, hay hình thành hình ảnh văn minh tại các chợ không phải nói là làm được ngay, càng không phải thay đổi một sớm một chiều. Quan trọng nhất vẫn là làm thế nào nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung và tiểu thương nói riêng. Có như thế, TP. Buôn Ma Thuột mới xứng đáng là đô thị văn minh, xanh – sạch – đẹp.
Tam Giang
Ý kiến bạn đọc