Multimedia Đọc Báo in

Vốn vay tín chấp - "Bà đỡ" cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

10:39, 25/12/2017

Nhờ được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), những năm qua, nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Cư Kuin đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Để kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người thụ hưởng, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin đã nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác đối với 32 tổ chức hội, đoàn thể cấp xã, thông qua 250 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, buôn. Đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin đã triển khai 14 chương trình cho vay hộ nghèo, giải ngân cho 13.243 hộ với tổng dư nợ trên 254 tỷ đồng (trong đó có 1.325 hộ DTTS nghèo vay 26,650 tỷ đồng).

 Gia đình ông  Y Lanh Hmốk đã xây dựng được nhà mới khang trang nhờ vốn vay NHCSXH.
Gia đình ông Y Lanh Hmốk đã xây dựng được nhà mới khang trang nhờ vốn vay NHCSXH.

Ông Y Dhul Kbuôr, Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm buôn Ea M’tă, xã Ea B’hốk cho biết, trong tổ hiện có 59 hộ DTTS nghèo, cận nghèo vay vốn tín dụng với tổng dư nợ trên 1,5 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ vay 20-50 triệu đồng). Các thành viên trong tổ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả; việc trả nợ, trả lãi đúng hạn. Để giảm gốc cuối kỳ và phòng lúc gặp rủi ro trong quá trình vay vốn, thay vì phải trả ngân hàng theo định kỳ 6 tháng, người dân trong tổ vay vốn của buôn Ea M’Tă lại đóng tiết kiệm hằng tháng, số tiền này sẽ được chuyển sang trả nợ ngân hàng khi đến kỳ hạn, giảm bớt áp lực trong quá trình trả nợ.

Trước đây, gia đình ông Y Che Êban, buôn Ea M’tă gặp rất nhiều khó khăn. Cả nhà 5 khẩu chỉ trông vào 3 sào cà phê, nhưng do không có tiền đầu tư nên năng suất đạt thấp, thu nhập bấp bênh. Năm 2012, Hội Nông dân xã Ea B’hốk đã đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin cho gia đình ông vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo để mua 1 con bê giống; trồng xen thêm 100 trụ tiêu trong vườn cà phê. Ông Y Che còn được Hội Nông dân xã hướng dẫn cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế tăng cao. Đến năm 2015, gia đình ông đã trả hết tiền nợ ngân hàng và đã thoát nghèo.

Gia đình ông Y Che Êban đã thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng.
Gia đình ông Y Che Êban đã thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng.
 

“Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, người dân đã đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng” 

 
 
Ông Y Suên Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Dray Bhăng

Khoảng 7 năm về trước, gia đình ông Y Lanh Hmốk ở buôn Ea T’lă, xã Dray Bhăng là hộ đặc biệt khó khăn. Năm 2015, ông Y Lanh được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho vay 25 triệu đồng, huyện hỗ trợ thêm 4,5 triệu đồng, bà con trong buôn giúp công xây dựng căn nhà cấp 4, rộng 70 m2. “Nhiều năm qua, vợ chồng con cái ở trong ngôi nhà cũ kỹ, mỗi khi mưa bão là không ngủ yên. Được Nhà nước cho vay vốn trong thời hạn 15 năm, bà con trong xã giúp sức mới có căn nhà khang trang, tôi rất mừng. Có nhà cửa rồi mới yên tâm làm ăn được. Hiện gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo”, ông Y Lanh Hmốk phấn khởi nói.

Bà Phạm Thị Minh Khuê, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin cho biết, những năm qua, đơn vị đã triển khai cho vay vốn tín dụng hiệu quả cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Mức cho vay hộ nghèo, trong đó có đồng bào DTTS tăng lên theo đúng nhu cầu thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng hưởng thụ; đáp ứng vốn cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh. Đến nay, hầu hết nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần cùng địa phương xóa đói giảm nghèo. Nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn vốn, Phòng Giao dịch đang tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chương trình vay vốn NHCSXH, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ…

Lê Thành

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.