Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: Từ sự nỗ lực của các cấp hội
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một trong những nét mới trong phong trào giúp hội viên phát triển kinh tế của các cấp Hội Phụ nữ ở tỉnh ta trong năm 2017. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ vươn lên, ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, ngay từ đầu năm 2017, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh tiến hành khảo sát nhu cầu, đề xuất ý tưởng vận động nguồn lực hỗ trợ dưới nhiều hình thức phù hợp. Một trong những điểm nổi bật của năm “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” là việc tổ chức diễn đàn “Nữ doanh nhân kết nối - chia sẻ” nhân kỷ niệm 13 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tại đây các nữ lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đã có dịp chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xây dựng câu lạc bộ, đội, nhóm từ đó kết nối các DN, phụ nữ tiểu thương trên địa bàn tỉnh trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Mô hình rau thủy canh của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm. |
Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột, đã kịp thời đề xuất Thường trực Thành ủy cho chủ trương tổ chức các lớp đào tạo nghề, đồng thời đề xuất được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bố trí nguồn vốn vay ưu đãi 700 triệu đồng giúp cho 35 chị em làm nghề nhặt rác chuyển đổi sang chăn nuôi bò và dê sinh sản. Bên cạnh đó, hỗ trợ 21 mô hình phụ nữ làm kinh tế tại 16 xã, phường với tổng kinh phí 226 triệu đồng. Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ khởi nghiệp cho hội viên là chị Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê Green Farm xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ rau thủy canh đến các hộ gia đình trên địa bàn. Đến nay, Công ty đã chuyển giao công nghệ này đến 60 hộ gia đình trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột...
Để việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, Hội đã đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu việc làm với nhiều cách làm sáng tạo. Trong năm, toàn tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 43 lớp dạy nghề cho 1.300 phụ nữ nông thôn, trong đó có 289 chị là người dân tộc thiểu số. Sau các lớp học nghề đã có 679 chị tìm được việc làm và tự tạo việc làm ngay tại gia đình. Hội cũng tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.128 lao động nữ, qua đó đã giúp 1.475 chị tìm được việc làm tại các DN trong và ngoài tỉnh, trong đó có 58 lao động nữ được đi xuất khẩu lao động.
Công tác dịch vụ ủy thác với Ngân hàng CSXH được duy trì và phát triển, tổng dư nợ các cấp hội quản lý khoảng 1.300 tỷ đồng, với 52.739 hộ gia đình hội viên, phụ nữ vay; duy trì 1.418 tổ tiết kiệm vay vốn; huy động tiết kiệm trên 59 tỷ đồng. Bên cạnh đó thực hiện thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có 7/15 Hội Liên hiệp Phụ nữ của huyện, thị xã, thành phố ký kết chương trình phối hợp, tín chấp nguồn vốn trên 61 tỷ đồng cho 1.615 hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các cấp hội tiếp tục vận động hội viên phụ nữ thực hành tiết kiệm thông qua các hình thức khác nhau. Đến nay, có 2.502 chi hội tổ chức các hoạt động tiết kiệm, với 268.305 hội viên tham gia ít nhất 1 hình thức tiết kiệm. Tổng số tiền tiết kiệm Hội huy động trong năm trên 23,4 tỷ đồng, giải quyết cho 14.048 lượt hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, hoạn nạn, đơn thân vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc