Multimedia Đọc Báo in

Những tiếp cận ban đầu xây dựng đô thị thông minh ở Buôn Ma Thuột

19:07, 01/01/2018

Cùng với một số đô thị trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Cần Thơ..., Buôn Ma Thuột đang có những bước tiếp cận ban đầu trong một số lĩnh vực để xây dựng đô thị thông minh...

Theo quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 13-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025, Buôn Ma Thuột được định hướng phát triển là đô thị kết nối các đầu mối kinh tế như: giao thông, thương mại, công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, y tế... Trên cơ sở đó, trong những năm qua tỉnh đã tập trung xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị hiện đại, văn minh.

Theo Sở Xây dựng, mặc dù Buôn Ma Thuột chưa phải đối mặt với vấn đề liên quan đến tập trung dân số cao, nhưng việc xây dựng đô thị thông minh sẽ là cơ hội để tỉnh tận dụng khoa học công nghệ giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế, bền vững, phù hợp với định hướng xây dựng đô thị đạt chuẩn trực thuộc Trung ương. Từ định hướng này, ngay từ đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, xúc tiến với đối tác về định hướng phát triển, xác định phạm vi ban đầu về xây dựng đô thị thông minh cho Buôn Ma Thuột. Theo định hướng chủ đạo, việc xây dựng đô thị thông minh TP. Buôn Ma Thuột tập trung vào 6 lĩnh vực: chính quyền điện tử, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn. Với các mục tiêu chính là bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân...

Buôn Ma Thuột với những khoảng xanh trong lòng đô thị.
Buôn Ma Thuột với những khoảng xanh trong lòng đô thị.

Song song với việc kêu gọi các dự án đầu tư khu đô thị mới, Buôn Ma Thuột tiếp tục huy động các nguồn lực và kêu gọi đầu tư để tập trung chỉnh trang đô thị, cải tạo các khu đô thị cũ, nâng cấp hệ thống sông suối để cải tạo môi trường sinh thái và tạo mảng xanh cho đô thị gắn với bảo tồn các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ...  

Đô thị thông minh sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần bảo đảm một môi trường thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích: sử dụng năng lượng với chi phí thấp; hệ thống giao thông công cộng tiện lợi; dịch vụ y tế tốt hơn; an tâm khi sử dụng thực phẩm; học sinh có thể học tại các trường học đạt chuẩn, chất lượng tốt; không khí trong lành, nguồn nước sạch; tỷ lệ tội phạm thấp và các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng. Bên cạnh đó, năng suất lao động được nâng cao khi người lao động được cung cấp các dịch vụ hạ tầng cơ bản để bảo đảm khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, để hiện thực được điều này là quá trình khó khăn và nhiều thách thức. Một trong những thách thức đầu tiên mà Buôn Ma Thuột đối mặt đó là nguồn lực tài chính. Đây là khó khăn mà các sở, ngành nêu lên trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp theo đó là thiếu nguồn lực vận hành đô thị thông minh, số lượng dịch vụ tích hợp còn thấp do cơ sở dữ liệu của các đơn vị còn tương đối độc lập. Đặc biệt là các ứng dụng chưa liên thông kết nối với nhau. Muốn có đô thị thông minh thì cần có chính quyền thông minh và người dân thông minh. Do đó, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được mình là trung tâm đô thị, có trách nhiệm tham gia giám sát quá trình xây dựng đô thị...

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.