Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ mô hình trồng ớt chỉ thiên

08:18, 17/01/2018

Nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tháng 9-2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar đã phối hợp với Công ty TNHH Việt Quang (Quảng Nam) đưa giống ớt chỉ thiên (giống Gs 888 Gold) vào trồng thí điểm trên một số địa bàn.

Đến nay, khi bước vào vụ thu hoạch, cây ớt chỉ thiên đã cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác.

Đến thăm mô hình trồng ớt chỉ thiên của gia đình bà Nông Thị Mão tại thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp vào đúng thời điểm mọi người đang hối hả thu hoạch. Vừa hái những quả ớt to, dài và đỏ mọng trên cây, bà Mão phấn khởi nói: “Gia đình tôi trồng 2 sào ớt từ tháng 9-2017, đến nay đã cho thu hoạch. Với 2 sào, mỗi đợt tôi hái được 1 tạ. Hiện nay, cây ớt vẫn đang trong thời kỳ chính vụ và có thể cho thu hoạch đến hết tháng 4 tới. Với giá bán hiện nay khoảng 25-30 nghìn đồng/kg cho thấy hiệu quả kinh tế của cây ớt cao hơn các loại cây khác nhiều…”.

Ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp đến thăm mô hình trồng ớt chỉ thiên ở thôn Hiệp Thành.
Ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp đến thăm mô hình trồng ớt chỉ thiên ở thôn Hiệp Thành.

Vụ đông xuân vừa qua gia đình anh Nguyễn Gia Tương, ở thôn 1A, xã Ea Mnang cũng trồng thí điểm 3 sào ớt chỉ thiên, đến nay cây ớt đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh Tương phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có 1,3 ha đất nông nghiệp, trong đó có 1 ha  trồng tiêu xen cà phê, còn lại 3 sào trồng luân canh các loại cây khác nhau. Trước đây, 3 sào đất này tôi thường trồng ngô và lạc nhưng hiệu quả không cao. Vụ này tôi chuyển sang trồng ớt, mới thu được một đợt nhưng đã cho thu nhập cao gần bằng 1 vụ trồng lạc. Trồng ớt không tốn công chăm sóc như các loại cây khác, tốn ít phân mà sản phẩm lại được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ nên chúng tôi rất yên tâm”. Theo thống kê, hiện xã Ea Mnang có gần 20 hộ gia đình trồng ớt chỉ thiên giống Gs 888 Gold trên diện tích hơn 3 ha, tập trung tại các thôn: 1A, 1B, 2A, 3 và 5. Tham gia mô hình trồng ớt chỉ thiên, người nông dân được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ về giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và công tác thu hoạch, bảo quản.

Đánh giá về mô hình trồng ớt tại địa phương, ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp cho biết: Qua hơn 3 tháng trồng thử nghiệm, giống ớt chỉ thiên sinh trưởng và phát triển rất tốt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Đặc biệt, đối với những hộ có diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh thì việc đưa cây ớt vào trồng trong giai đoạn kiến thiết cơ bản là hướng đi đúng để tăng thu nhập và cải tạo đất.

 
“Hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình trồng ớt xuất khẩu đã được khẳng định thực tế trên địa bàn huyện. Trước triển vọng của cây ớt, sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt lên 50 ha theo hướng hình thành các chuỗi liên kết”. 
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư M’gar  Phạm Quang Mười

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar, để giúp bà con nông dân chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Hội Nông dân của các xã xây dựng mô hình trồng ớt chỉ thiên trên diện tích 10 ha. Để bà con yên tâm thực hiện mô hình, Công ty TNHH Việt Quang đã hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho người dân theo hình thức trả chậm; đồng thời, ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá cả từng thời điểm, trong đó giá bảo hiểm là 15 nghìn đồng/kg. Với giá trung bình hiện công ty thu mua là 30 nghìn đồng/kg, cây ớt mang lại lợi nhuận cao hơn so với cây cà phê hay các loại cây trồng ngắn ngày khác.

Có thể thấy rằng, trồng ớt chỉ thiên là hướng đi mới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, để mô hình này được nhân rộng thành công và phát triển bền vững thì cần có định hướng cụ thể, đặc biệt là sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Có như vậy, mới giúp nông dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.