Multimedia Đọc Báo in

Chợ truyền thống sẽ "đi đâu, về đâu"?

16:11, 15/02/2018

Tự bao đời nay, chợ đã trở thành nếp văn hóa của người Việt, chợ gần gũi, thân thuộc với đời sống của người dân. Nhất là những ngày cận tết, người ta đến chợ để cảm nhận cái hối hả của kẻ bán người mua… và tết bao giờ cũng đến sớm hơn tại các chợ.  Nhưng giờ đã khác, chợ đang đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các kênh mua sắm hiện đại…

Chừng 10 năm trở lại đây, trước những chuyển biến mạnh mẽ của thị trường và tốc độ đô thị hóa, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi mọc lên ngày càng nhiều tại TP. Buôn Ma Thuột thì chợ đang dần… thưa khách. Người thành phố thường có tâm lý “chuộng” siêu thị vì không gian mua sắm thoáng mát, sạch sẽ lại liên tục có các chương trình ưu đãi giá, dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng chu đáo hơn ở chợ khiến các “thượng đế” cảm thấy mình được quan tâm, chăm chút... Thời sung túc, đông đúc của chợ truyền thống giờ dường như chỉ còn trong hoài niệm. Bởi thực tế, lắm lúc chợ rơi vào cảnh ế ẩm, người bán nhiều hơn người mua. Theo nhiều tiểu thương tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, đã qua rồi cái thời “trăm người bán, vạn người mua”, chợ truyền thống bây giờ đang phải cạnh tranh khốc liệt với siêu thị. Bởi siêu thị luôn có các chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn, hàng hóa có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng luôn được quan tâm. Dễ thấy nhất là trong các dịp lễ, tết, ngày cuối tuần  tại TP. Buôn Ma Thuột, siêu thị đông nghịt khách đến mua sắm, còn chợ thì đìu hiu, vắng vẻ.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại chợ Ea Tul, huyện Cư M’gar.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại chợ Ea Tul, huyện Cư M’gar.

Trên thực tế, chợ truyền thống cũng có ưu  điểm riêng. Theo Tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân - Viện Nghiên cứu thương mại, chợ truyền thống còn mang đậm dấu ấn văn hóa, hồn cốt Việt. Hàng hóa ở chợ có ưu điểm tươi mới, phong phú, đặc trưng vùng miền và giá rẻ, thuận tiện mua bán... Nhất là những món “đặc sản” quê nhà được mang ra chợ trao đổi bằng những câu chào hỏi nhau thân tình, chân chất mà siêu thị hiện đại không có được. Khi mức sống ngày càng cao, nhu cầu mua sắm ngày càng nhiều, người tiêu dùng có quyền lựa chọn cho mình những kênh phân phối ưa thích nhất. Trong khi đó, chợ truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm mà còn thể hiện được giá trị văn hóa lâu đời của người Việt. Do đó, chợ sẽ không mất đi, chợ và siêu thị sẽ song song tồn tại, hình thức mua sắm  truyền thống và hiện đại này  đan xen, bổ sung cho nhau. Mỗi loại hình phân phối  đáp ứng một nhu cầu, mức sống và thu nhập khác nhau của người tiêu dùng.

Hàng hóa tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Hàng hóa tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

 

 
“Thói quen mua sắm của người tiêu dùng cộng với việc ra đời, cải tạo và ngày càng hoàn thiện hơn  cơ sở vật chất ở các chợ sẽ tạo cơ hội cho kênh phân phối truyền thống phát triển, đáp ứng yêu cầu mới. Những gì gần gũi, chân chất trong mỗi buổi chợ sớm mai sẽ mãi là hồn cốt Việt không gì có thể thay thế, vì vậy, chợ truyền thống vẫn giữ sức hút với người dân Việt…” 
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương

Tuy nhiên, quy luật đào thải khắc nghịêt của xã hội đòi hỏi chợ phải kịp có những giải pháp tối ưu để phát triển. Điều này bắt buộc chợ phải tự thay đổi mình theo hướng văn minh, sạch sẽ, tiện lợi để thích ứng với cuộc sống hơn và không bị loại ra trong cuộc cạnh tranh với các hệ thống bán lẻ như hiện nay. Trong đó, chợ cần nâng cấp, cải tạo, bố trí các ngành hàng phù hợp với nhu cầu phát triển, quan trọng hơn, thái độ ân cần, lịch sự, vui vẻ của tiểu thương cũng là yếu tố quan trọng để “giữ chân” khách hàng. 

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 148 chợ, trong đó, khu vực nông thôn có 106 chợ (chiếm tỷ lệ trên 72%). Thời gian qua, nhiều chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo như  chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, chợ đầu mối Tân Hòa, tuyến huyện thì có các chợ Phú Xuân (huyện Krông Năng), Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), trung tâm Krông Bông (huyện Krông Bông)... cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân. Giai đoạn 2010-2015, đã có 9 chợ ở khu vực nông thôn được xây mới, đầu tư nâng cấp, sửa chữa, với tổng kinh phí lên đến 15 tỷ đồng, trong đó, có 9,5 tỷ đồng được huy động từ các thành phần kinh tế.

Duy Khôi

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.