Multimedia Đọc Báo in

Động lực mới từ hợp tác đối ngoại

05:51, 18/02/2018

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, năm 2017, tỉnh ta đã không ngừng thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế tạo động lực mới trong thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế...

Mở rộng giao lưu hợp tác

Theo Sở Ngoại vụ, trong năm 2017, có 235 đoàn gồm 728 chuyên gia nước ngoài (tăng 14 đoàn so với năm 2016) đến thăm và làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và dự án trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, có 48 đoàn từ các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các địa phương nước ngoài: Rumani, Slovakia, Hoa Kỳ, Ba Lan, Trung Quốc, Colombia, Israel, Brazil, Hàn Quốc, Úc, Indonesia, Philipines, Lào, Campuchia... đến tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017. Bên cạnh đó, trong dịp hoạt động kỷ niệm “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia” và “Việt Nam - Lào 2017”, tỉnh cũng đã đón các đoàn của 4 tỉnh Nam Lào và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đồng thời, tỉnh cũng đón tiếp 187 đoàn chuyên gia nước ngoài đến thực hiện các chương trình, dự án, khảo sát các dự án đầu tư, làm việc với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là, sau khi tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, các Đại sứ đã có phúc đáp cho tỉnh và xúc tiến các hoạt động đầu tư, hợp tác với địa phương như: Brazil, Indonesia, Úc, Hàn Quốc...  

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh (bìa trái) và đại diện doanh nghiệp của tỉnh trong chuyến công tác tại Úc tháng 8-2017. Ảnh: T.Sơn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh (bìa trái) và đại diện doanh nghiệp của tỉnh trong chuyến công tác tại Úc tháng 8-2017. Ảnh: T.Sơn

Cũng trong năm 2017, tỉnh đã tham dự hội nghị kết nối thương nhân xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản sang Trung Quốc do Sở Công thương Cao Bằng tổ chức; phối hợp với Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi - Bộ Công thương triển khai xây dựng Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia”; tổ chức Chương trình “Gặp gỡ Hàn Quốc - khu vực Tây Nguyên” với sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, các tỉnh Tây Nguyên và các cơ quan đại diện của Hàn Quốc tại Việt Nam. Đặc biệt, trong năm tỉnh đã tổ chức 2 đoàn xúc tiến đầu tư và thương mại tại Úc và Nhật Bản với sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh... 

Bà Nguyễn Tiết Hạnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, công tác đối ngoại của tỉnh trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy giao lưu, quảng bá toàn diện hình ảnh vùng đất Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng tới các bạn bè trong và ngoài nước. Việc triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại đã góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa tỉnh với các nước trong khu vực và quốc tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tranh thủ nguồn lực bên ngoài nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.  

 Những cơ hội mở

Ông Lê Đức Huy, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco) - một trong những doanh nghiệp tham gia cùng đoàn xúc tiến đầu tư tại Úc được tỉnh tổ chức vào cuối tháng 8 đầu tháng 9-2017 chia sẻ, qua chuyến đi, doanh nghiệp đã có nhiều thông tin bổ ích cũng như cơ hội trong hợp tác phát triển thị trường cà phê tại Úc từ đó có những kế hoạch, định hướng để sản xuất theo những tiêu chuẩn cà phê robusta chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó tính. Riêng Simexco đã đạt được thỏa thuận ban đầu với Công ty H.J. Langdon & Co, một trong những công ty cung cấp gia vị hàng đầu của Úc về cung cấp 300 tấn tiêu/năm. Hiện nay, đối tác vẫn tiếp tục đàm phán, về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để đi đến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm 300 tấn tiêu ngay trong niên vụ 2018. Ngoài ra, doanh nghiệp kết nối với Công ty Cà phê MT Group trong sản xuất cà phê đặc sản gắn với cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột...

Các chuyên gia Úc tham quan trang trại bơ của Công ty TNHH Trịnh Mười.
Các chuyên gia Úc tham quan trang trại bơ của Công ty TNHH Trịnh Mười. Ảnh: N. Khuê

 

 

“Các chương trình xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch ở nước ngoài thông qua các kênh ngoại giao đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực mới cho tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm đối tác, mở rộng thị trường; đồng thời, giúp ngành nông nghiệp địa phương tiếp cận với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới. 

Hiện tỉnh đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, đổi mới công tác vận động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn xã hội; điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút vốn ODA, FDI cũng như nguồn viện trợ phi chính phủ (NGO) cho các ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là đầu tư vào khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng” .

 
Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

Trong chuyến thăm và làm việc của đoàn chuyên gia đến từ Đại học Victoria, TP. Melbourne, Úc với tỉnh vào cuối năm 2017, hai bên đã có sự trao đổi, tìm ra những thế mạnh để cùng nhau hợp tác, phát triển, kết nối các doanh nghiệp của Úc sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đắk Lắk. Tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chính, phối hợp với Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty cà phê An Thái và các ngành liên quan nghiên cứu và tiến hành trồng thử nghiệm giống bơ Hass của Úc, đồng thời xây dựng một chiến lược và quy hoạch vùng trồng bơ của tỉnh...

Cũng vào cuối năm 2017, tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh Jeollabuk-do (Hàn Quốc), mở ra những cơ hội mới trong hợp tác phát triển nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương. Trong đó, Jeollabuk-do sẽ được Đắk Lắk ưu tiên giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư mà tỉnh Jeollabuk-do quan tâm như: công nghệ chế biến cà phê, cao su, ca cao, thức ăn gia súc, các dự án chế biến hoa quả… gắn với vùng nguyên liệu (đây là tiềm năng thế mạnh riêng có của tỉnh Đắk Lắk). Còn tỉnh ta sẽ được tỉnh Jeollabuk-do hỗ trợ về khoa học công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực quản trị kinh doanh, quản lý điều hành hệ thống nhà máy, quản lý doanh nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, bảo vệ môi trường, cải cách thủ tục hành chính; đồng thời hỗ trợ giới thiệu thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh với Hàn Quốc.

Ngọc Khuê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.