Ea Súp đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Xác định cơ giới hóa là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa nên những năm qua huyện Ea Súp đã chú trọng đưa máy móc vào sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Điển hình cơ giới hóa trong nông nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp là việc sản xuất lúa, trong đó khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 100%; tuốt, tách hạt 98%; thu hoạch, làm đất 95%; vận chuyển 85%... Ông Trần Quang Trịnh, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, vụ đông xuân 2017-2018 toàn huyện có kế hoạch gieo trồng 6.854 ha cây trồng các loại, trong đó lúa là 5.397 ha, chiếm 78,7% tổng diện tích cây hằng năm của huyện. Để có được vụ mùa thắng lợi, từ cuối tháng 10 nông dân bắt đầu làm đất bằng máy để phơi ải, đến ngày 25-12 khi các công trình thủy lợi xả nước đầy đủ thì bắt đầu làm đất xuống giống. Tùy vào lưu lượng nước điều tiết chảy về trên các cánh đồng mà thời gian xuống giống khác nhau, nhưng gieo sạ tập trung trong khoảng 3 tuần là cơ bản xuống giống xong. Không chỉ rút ngắn thời gian gieo sạ mà khi sử dụng máy móc, người dân cũng chú trọng dồn điền đổi thửa hơn bởi sử dụng máy chỉ đạt hiệu quả cao khi diện tích sản xuất lớn, quy tụ tại một vùng nào đó vì vậy các thửa ruộng trên địa bàn đa phần có diện tích từ 2-5 sào, thậm chí lên đến trên dưới 1 ha/thửa. Và chính việc dồn điền đổi thửa đó cũng đã thúc đẩy cơ giới hóa trên các công đoạn còn lại như phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gặt đập liên hợp… Nhờ đó nông dân dễ dàng tập trung chuyên canh hơn, chất lượng lúa cuối vụ cũng đồng đều hơn và hạn chế tối đa các loại dịch bệnh trên đồng ruộng.
Nông dân xã Ea Lê làm đất xuống giống lúa đông xuân 2017-2018. Ảnh: H. Thủy |
Tương tự, cây ăn quả cũng là thế mạnh của huyện nên việc sử dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp được nông dân chú trọng, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Ông Phạm Quốc Việt, xã Ea Bung có 10 ha xoài cho hay, ngay từ khi triển khai trồng xoài gia đình đã đầu tư các loại máy móc cần thiết gồm 3 máy bơm, 3 máy tưới, 3 máy cày, 3 máy xịt thuốc với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Nhờ đó, các công việc làm cỏ, phun thuốc, bơm, tưới đều được thực hiện bằng máy móc nên giảm thiểu chi phí nhân công. Đặc biệt, hệ thống máy phun thuốc được đầu tư theo công nghệ hiện đại, có thể điều chỉnh để xịt thuốc ở những cây xoài cách xa vị trí đứng 10m và phun tỏa khắp tán cây nên hiệu quả công việc cao, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người với dung dịch thuốc, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Cán bộ nông nghiệp huyện kiểm tra chất lượng gạo tại một cơ sở xay xát ở thị trấn Ea Súp. |
Riêng với lĩnh vực chăn nuôi thì cơ giới hóa chủ yếu được thực hiện trong chăn nuôi lợn, bò thịt, gà. Trong đó chăn nuôi lợn có mức độ cơ giới hóa khâu chuồng trại, chế biến thức ăn khoảng 25%, thu gom phân 18%. Còn chăn nuôi bò thịt mức độ cơ giới hóa khâu chuồng trại là 10%, chế biến thức ăn 12%, thu gom phân 15%... Sở dĩ cơ giới hóa trong chăn nuôi đạt thấp do ngành chăn nuôi địa phương chủ yếu phát triển theo hướng gia trại bán công nghiệp, trong đó tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên, đặc biệt là chăn thả trâu, bò dưới tán rừng. Mặt khác, nền nhiệt độ chung trên địa bàn cao hơn 2-30C so với nền nhiệt trung bình toàn tỉnh, mùa khô kéo dài, thời gian rét ngắn nên nhu cầu xây dựng trang trại không lớn.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện hiện có hơn 3.110 máy móc các loại. Trong đó động cơ chạy bằng xăng, dầu diezen là 1.300 chiếc; máy kéo công suất từ 12 mã lực trở xuống 500 chiếc; máy chế biến lương thực (máy xay xát, phân loại, đánh bóng…) 230 máy; máy thu hoạch mía, ngô, lúa 220 máy; máy bơm nước dùng cho sản xuất nông lâm thủy sản 180 máy; máy phun thuốc có động cơ 65 chiếc; máy chế biến thức ăn gia súc 45 chiếc…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc