Multimedia Đọc Báo in

Hành trình theo đuổi "Nữ hoàng quả khô" của "giáo sư mắc ca"

08:30, 20/02/2018

Quyết tâm tìm hướng đi mới để làm giàu, anh Đinh Công Định (1971, thôn Trung Hòa, xã Đliê Ya, huyện Krông Năng) đã thử sức với rất nhiều loại cây khác nhau. Tình cờ bén duyên với cây mắc ca, anh đã dày công nghiên cứu, phát triển và gặt hái được nhiều thành công. 

Bén duyên với "Nữ hoàng quả khô"

Do gia đình nghèo khó, anh Đinh Công Định phải nghỉ học từ năm lớp 7, ở nhà làm thuê phụ giúp bố mẹ nhưng cuộc sống vẫn không khá lên. Đến năm 1987 khi vừa 16 tuổi, anh rời Kim Sơn (Ninh Bình) vào Đắk Lắk lập nghiệp, hành trang chẳng có gì ngoài một quyết tâm cháy bỏng là phải thay đổi cuộc sống. Ban đầu anh đi làm thuê đủ việc từ chăm sóc cà phê, tiêu, đào hố…, sau đó 4 năm, anh được nhận vào làm công nhân tại Nông trường Cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pắc). Những năm 1994 - 1995 sau khi đã có một ít vốn và mạnh dạn vay vốn thêm người thân, bạn bè anh mua một trang trại hơn 20 ha đất tại khu Bãi Gạo (thôn Tân Hiệp, xã Đliê Ya) để phát triển sản xuất. Ban đầu chỉ là trồng bắp, trồng đậu nành… cứ thế lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm anh có một ít vốn để đầu tư trồng các loại cây đem lại giá trị cao hơn như bí đỏ, khoai lang Nhật, cà phê…

Anh Đinh Công Định có hơn 20 ha mắc ca đang cho thu hoạch.
Anh Đinh Công Định có hơn 20 ha mắc ca đang cho thu hoạch.

Vào thời điểm những năm 2001 - 2002, khi giá cà phê xuống thấp, anh quyết định trồng thêm cây Lát Mêxico xen vào diện tích cà phê sẵn có đồng thời nghỉ làm tại Nông trường sau gần 11 năm gắn bó. Trồng được 2 năm, vườn cây bị sâu bệnh phải chặt bỏ hoàn toàn, anh tiếp tục mua giống về ươm, nhưng lại nhầm giống cây Lát Ấn Độ, nên thất bại. Trong một lần đi tìm hiểu về cây Lát Mêxico, anh gặp các Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc, Nguyễn Lân Hùng, Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn… và được giới thiệu về cây mắc ca. Năm 2004 anh được các giáo sư tặng 10 cây mắc ca để trồng khảo nghiệm. Nhận thấy mắc ca là loài cây có giá trị kinh tế cao, mới được trồng ở Tây Nguyên, anh dày công nghiên cứu về loài cây này. Tránh gặp phải rủi ro như cây Lát Mêxico, anhđến trực tiếp tại các viện nghiên cứu trong và ngoài nước như Trung Quốc, Thái Lan… để thực tế. Nghe được thông tin ở vùng Con Cuông (Nghệ An) được các Việt kiều Mỹ tặng 10.000 cây mắc ca anh tìm đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm. Anh Định cho biết, từ năm 2002 - 2008 cứ đến mùa thu hoạch mắc ca là anh lại khăn gói đi ra Nghệ An, Hà Nội, sang Trung Quốc, Thái Lan… để xem xét, nhằm tìm ra các dòng trội nhất để về trồng. Sau nhiều năm theo dõi, anh đã tìm ra 3 dòng mắc ca ổn định về năng suất nhất đó là D1, D2 (Trung Quốc) và D3 (Thái Lan) đưa về trồng xen trên 4 ha diện tích cà phê. Từ đó, hằng năm anh đều mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mắc ca trên diện tích đất của gia đình. Năm 2010, anh được Sở Khoa học - Công nghệ chuyển giao 200 cây mắc ca để trồng xen trên 1 ha cà phê chè. Năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng rừng Việt Nam chuyển giao cho anh 226 cây mắc ca để tiếp tục phát triển. Đến nay, gia đình anh đã có trên 20 ha mắc ca. 

Gặt hái quả ngọt

10 năm trước, khi “cơn sốt” mắc ca diễn ra tại địa phương, nhiều gia đình đua nhau đổ vốn trồng mắc ca trên diện tích lớn. Thời điểm đó, giống mắc ca không rõ nguồn gốc, chất lượng được bán tràn lan trên thị trường với giá rẻ. Với bài học đắt giá từ thất bại do trồng cây Lát Mêxico, anh Định kiên định trồng những dòng mắc ca đã được kiểm định chất lượng để trồng dần. Anh cho rằng, thành hay bại đều xuất phát từ giống cây, trước khi trồng phải tìm hiểu kỹ lưỡng để tìm ra loại giống có sản lượng, chất lượng cao, phù hợp với chất đất, khí hậu… rồi mới đem phát triển trên diện tích lớn. Chính vì vậy, khi các gia đình tại đây phải đối mặt với tình trạng nhiều diện tích mắc ca cho quả ít thậm chí không cho quả thì hơn 20 ha diện tích mắc ca của gia đình anh đều đã cho thu hoạch với sản lượng, chất lượng cao, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 4 tỷ đồng. 

Anh Đinh Công Định sở hữu một vườn ươm giống mắc ca để cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Anh Đinh Công Định sở hữu một vườn ươm giống mắc ca để cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Trước những thành công đó, nhằm đưa đến cho người dân nguồn giống mắc ca đảm bảo chất lượng, anh tiến hành ghép giống mắc ca bán cho người dân trong, ngoài tỉnh (8.000 -15.000/cây giống) ghép từ 5 dòng đang cho năng suất cao được Bộ NN-PTNT công bố, và đang được phát triển tốt tại vườn nhà. Nhằm tạo thương hiệu mắc ca của gia đình và có được thị trường ổn định, bảo đảm từ khâu trồng đến chế biến, sau nhiều năm ấp ủ, anh tiến hành chế tạo máy bóc tách vỏ có thiết kế đơn giản với công suất cao, trung bình bóc được 1,2 tấn/giờ. Bên cạnh sản phẩm mắc ca rang tách nứt, gia đình anh còn sản xuất rượu, tinh dầu mắc ca… Hiện nay, sản phẩm mắc ca của gia đình anh đã có mặt khắp mọi tỉnh thành của Việt Nam, và nhận được nhiều lời mời xuất khẩu ra nước ngoài như Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản...

Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.