Hiệu quả mô hình nuôi trâu dưới tán rừng của đồng bào J'rai
Nuôi trâu dưới tán cây rừng là hình thức chăn nuôi lâu đời của bà con đồng bào J’rai tại thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp), không chỉ nhằm phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ rừng tại vùng chăn nuôi.
Nghề chăn nuôi trâu đã gắn bó với nhiều gia đình đồng bào J’rai tại đây. Họ nuôi trâu để lấy phân bón, sức kéo, làm vật cúng bỏ mả, tế lễ trong các ngày hội của buôn làng, đặc biệt là bảo vệ rừng nơi họ gắn bó sinh sống, chăn nuôi. Cứ thế, từ lâu đời chăn trâu dưới tán cây rừng trở thành một tập tục sinh hoạt của đồng bào J’rai.
Hơn 30 năm qua, vợ chồng ông Y Bơng Siu (buôn A) sống bằng nghề chăn nuôi trâu, đàn trâu hơn 30 con của gia đình được ông đưa đến chăn thả tại khu vực Đập 41 (xã Cư M’lan) cách nhà gần 10 km. Tại đây, cũng như nhiều gia đình khác, vợ chồng ông dựng một căn lán nhỏ cùng sống và chăm sóc đàn trâu đến cuối tuần mới về thăm nhà một lần. Bất kể mưa nắng, hằng ngày ông đều dậy sớm chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết như đồ ăn, nước uống … để vào ba lô bắt đầu đi chăn trâu đến chiều tối mới về lán, còn vợ ông ở nhà dọn, phơi phân trâu. Mỗi năm gia đình ông thu về gần 1.000 bao phân, được thương lái đến mua tận nơi với giá 30 nghìn đồng/bao, giúp ông có thêm một nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Ông Y Bơng cho hay, chăn thả trâu dưới tán cây rừng là thói quen của người J’rai, vì trâu chỉ ăn cỏ, lá rừng, được phát triển tự nhiên không những giúp trâu khỏe, thịt chắc, là nguồn thực phẩm sạch mà còn bảo vệ rừng. Bởi khi rừng bị xâm lấn, hay có kẻ xấu chặt phá sẽ được những người chăn nuôi trâu như ông phát hiện và ngăn chặn.
Đàn trâu của gia đình ông Y Bơng Siu. |
Nhận thấy hiệu quả của mô hình chăn nuôi trâu dưới tán cây rừng của đồng bào J’rai, Huyện Đoàn Ea Súp đã quyết định hỗ trợ anh Y Đô La Niê 50 triệu đồng để phát triển, nhân rộng mô hình này. |
Nhận thấy việc chăn nuôi trâu theo hướng truyền thống không những phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ rừng, đặc biệt là ở các khu vực rừng có diện tích lớn lại cách xa khu dân cư nên, vào tháng 7-2017 anh Y Đô La Niê (buôn A1) bắt tay vào thực hiện mô hình chăn nuôi trâu tại khu vực Đập 41 với đàn trâu 25 con của gia đình. Hằng ngày, anh đưa trâu đi chăn thả, đến ban đêm lấy dây cột từng con lại tại một gốc cây dại đã được khoanh vùng trước đó. Anh Y Đô La cho biết, hiện nay anh cùng 25 hộ chăn nuôi tại khu vực này đang chăn thả hơn 500 con trâu, được khoanh vùng chăn nuôi trong khoảng hơn 20 ha đất rừng tự nhiên. Không những khoanh nuôi, bảo vệ cây rừng tự nhiên tại khu vực chăn nuôi mà trong quá trình chăn thả, những hộ chăn nuôi tại đây còn được thụ hưởng những loại lâm sản phụ như đót, sắn… góp phần cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi dưới tán cây rừng vừa tận dụng được nguồn thức ăn, tiết kiệm một phần chi phí thuê nhân công trông coi, là nguồn thực phẩm sạch nên rất dễ bán và bán được với giá cao, 10–15 triệu đồng/con nghé, gần 30–40 triệu đồng/con trâu.
Có thể thấy, khi diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, việc phát triển mô hình chăn nuôi trâu dưới tán cây rừng của đồng bào J’rai tại huyện Ea Súp giúp giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc